|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm gần 1% trong 2019, xuất khẩu gạo Campuchia được dự báo phục hồi vào năm nay

14:09 | 05/01/2020
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 620.106 tấn trong năm ngoái, giảm gần 1% so với mức 626.225 tấn của 2018, Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) cho biết.

Tổng giá trị xuất khẩu cũng giảm hơn 4% trong 2019 so với năm 2018, cơ quan công nghiệp lúa gạo cho biết thêm.

Như vậy, cùng với mức giảm 1,43% trong 2018 và 2017, đợt giảm khiêm tốn trong 2019 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo giảm.

Trích dẫn số liệu từ CRF, The Phnom Phenh Post cho biết tổng giá trị xuất khẩu gạo của quốc gia Đông Nam Á được định giá khoảng 501 triệu USD vào năm ngoái, giảm 4,3% so với 524 triệu USD trong 2018.

Dữ liệu được phân tích chỉ ra Campuchia bán 202.990 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc, chiếm 40,73% tổng khối lượng gạo xuất khẩu. Theo sau là 13,41%, tương đương 83.164 tấn, vận chuyển sang khu vực ASEAN và 13,84%, tương đương 85.847 tấn, sang các thị trường khác .

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, Campuchia cũng đã xuất khẩu 2,15 triệu tấn gạo sang Việt Nam vào năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu giảm dần sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp thuế nhập khẩu đối với gạo từ Campuchia vào tháng 1/2019. Myanmar cũng bị ảnh hưởng với thuế quan.

Tổng thư kí Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) Lun Yeng đổ lỗi nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm là nhu cầu suy yếu từ các thị trường châu Âu, nhưng ông dự đoán xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong năm nay.

Xuất khẩu gạo được dự báo phục hồi

Theo ông Yeng, hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn sang Trung Quốc, thuế tại EU giảm từ 175 euro xuống còn 155 euro/tấn và việc tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là Australia và Brunei, sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu trong năm nay.

"Tôi rất lạc quan rằng năm nay, xuất khẩu sẽ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ và doanh thu sẽ tăng trở lại trong năm nay", ông Yeng nhận định.

Ông nói thêm trong khi Campuchia đã hạ giá gạo để giải quyết nhu cầu tại thị trường châu Âu, khối lượng gạo thơm xuất khẩu sang châu Âu đã tăng từ 79% trong 2018 lên 86% vào năm ngoái.

"Đồng thời, xuất khẩu gạo trắng và gạo đồ đã giảm từ 21% xuống còn 14%", ông nói.

Ngoài ra, Chủ tịch CRF cho biết mặc dù Australia trước đây cấm nhập khẩu gạo, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho trồng lúa đã thúc đẩy nước này cho phép nhập khẩu và đầu tư vào ngành lúa gạo Campuchia.

Giám đốc điều hành Công ty Xuất nhập khẩu gạo Thmor Korl, ông Heng Pheng chia sẻ khối lượng gạo xuất khẩu của công ty trong năm ngoái không thay đổi so với 2018, với số lượng lớn sang Malaysia.

Ông Pheng cũng cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ đe dọa vụ thu hoạch trong tương lai của nông sản xuất khẩu hàng đầu Campuchia.

"Dựa trên chất lượng và giá trị, gạo Campuchia vẫn có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Tôi cho rằng xuất khẩu sẽ ghi nhận sự bùng nổ trong năm nay, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc", ông Pheng nói.

Phó chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Lim Heng ước tính công suất sản xuất gạo của quốc gia Đông Nam Á là hơn 10 triệu tấn mỗi năm.

Theo ông, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ tăng trong năm nay với điều kiện có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các bên liên quan, gồm nông dân, các nhà xay xát gạo, nhà xuất khẩu và tất cả cơ quan chức năng.

Ông Heng nói thêm cùng với việc tăng năng lực sản xuất, phát triển thị trường mới ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những yếu tố quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

"Để tăng công suất xuất khẩu gạo cho thị trường quốc tế, Campuchia cần phải phối hợp các bên liên quan, trong khi nông dân phải cam kết nhiều hơn để kí hợp đồng canh tác", ông nói.

Lyly Cao

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.