Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Đa dạng hóa sản phẩm để phân tán rủi ro
Việc Mỹ chính thức áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực lúc 0h01 EDT (11h01 giờ Hà Nội) ngày 24/9. Thuế suất trên sẽ tăng lên 25% kể từ đầu năm 2019.
Đây là đợt thuế thứ ba của chính quyền Mỹ nằm trong chiến lược gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi hành vi thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đã gây thiệt hại cho các công ty Mỹ.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy ở khu công nghiệp phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) tỏ ra lo ngại bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra sẽ có tác động đến thương mại quốc tế nói chung và xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng. Cùng với đó, động thái này có thể sẽ gây ra biến động trên thế giới về tỷ giá, chứng khoán và từ đó sẽ tác động đến thương mại.
Không chỉ vậy, dù hàng hóa Trung Quốc kém cạnh tranh hơn, nhưng chưa phải là bị cấm nhập khẩu vào Mỹ nên có thể giảm lượng nhập khẩu nhưng không quá nhiều.
Ngoài ra, những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giầy thì mức độ ảnh hưởng đối với hàng hóa tương tự của Trung Quốc chưa lớn nên Mỹ chưa phải tìm kiếm nguồn thay thế.
Điều này có thể dẫn tới nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn sang các nước khác để "mượn" xuất xứ sẽ gia tăng, Việt Nam lại ở ngay cạnh Trung Quốc nên nguy cơ đó sẽ càng cao hơn.
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu khẳng định, Bộ Công Thương và nhất là Cục Xuất Nhập khẩu sẽ tăng cường kiểm tra ngay từ khi cấp C/O và sau khi cấp, phân luồng để xác định các mặt hàng và doanh nghiệp có độ rủi ro cao, xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện gian lận xuất xứ.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rất khó lường trước những biến động sẽ xảy đến. Do đó, bên cạnh việc xây dựng một chiến lược ứng phó với nhiều kịch bản theo các cấp độ ảnh hưởng tới Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và tạo môi trường hoạt động thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.
Ngược lại, bên cạnh những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và tích lũy đủ sức lực để ứng phó các tình huống xấu có thể xảy đến cũng như chớp được thời cơ nếu có.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Nhà máy may TNG Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN
Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, dù chưa bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhưng là nước đang tham gia tích cực vào việc hình thành và phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi chịu những tác động nhất định.
Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động hơn để kịp thời nắm bắt các diễn biến mới và có bước đi kịp thời.
Do vậy, để phát triển bền vững trước mọi tình huống các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các quy định tại các diễn đàn thương mại đa phương và các hiệp định thương mại tự do để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng có thế mạnh hoặc tiềm năng xuất khẩu.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Song song với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế với tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh.
Đặc biệt, nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của từng loại tranh chấp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.