Cuộc chiến ngôn từ bùng nổ trên fanpage của Asanzo
Hôm 21/6, báo Tuổi Trẻ đăng bài điều tra về việc công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc rồi đột lốt hàng Việt Nam. Sau đó, báo Thời Đại đưa tin Asanzo phải dùng bộ lọc để chặn những lời bình luận tiêu cực. Nhưng trên thực tế, nhiều lời bình luận có nội dung phê phán Asanzo vẫn xuất hiện trên fanpage của công ty, dù chúng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với những lời khen ngợi, cổ vũ.
Hàng trăm lời ủng hộ, động viên Asanzo
"Nhiều hãng khác cũng dùng liên kiện Trung Quốc, chứ đâu chỉ riêng Asanzo", "Ai trong ngành chẳng biết Việt Nam chưa thể sản xuất panel của tivi", "Giá thành rất phù hợp và chất lượng ổn", "Chế độ chăm sóc khách hàng ok", "Dù là hàng Trung Quốc nhưng giá phù hợp, chế độ bảo hành tốt, chăm sóc khách hàng tốt thì tôi vẫn luôn ủng hộ", "Chúc Asanzo vượt qua khủng hoảng", "Luôn ủng hộ Asanzo", "Có lẽ Asanzo bị đối thủ dìm vì phát triển quá nhanh" là những lời bình luận của nhiều người sau ngày 21/6.
Một tài khoản có tên Nam Mark kêu gọi mọi người tìm hiểu tường tận từng chi tiết về các sản phẩm của Asanzo chứ không nên quy chụp, kết luận một cách vội vã. Anh nhấn mạnh rằng không hãng điện tử nào thành công trong việc đưa sản phẩm về nông thôn để phục vụ giới bình dân như Asanzo.
"Người dân chấp nhận sản phẩm, không kiện cáo vì họ thấy sản phẩm dùng được, ổn định. Đó là điều đáng ghi nhận", Nam Mark bình luận.
Tài khoản Xuân Ly nhận định mọi người nên thận trọng khi bình luận những nội dung chưa được kiểm chứng.
"Liệu câu chuyện Con Cưng sẽ lặp lại? Chúng ta không thể tự sản xuất thì phải nhập khẩu. Mà nhắc tới hàng điện tử, ai có thể qua mặt Trung Quốc nhỉ", Xuân Ly viết.
Vài người còn nhấn mạnh rằng, nếu không dùng linh kiện Trung Quốc rồi thay thế tem, nhãn mác thì Asanzo không thể giảm giá thành sản phẩm để người lao động có thu nhập thấp có thể mua.
"Rất ít hãng điện tử lớn ở Việt Nam có chế độ bảo hành tốt như Asanzo", tài khoản Trần Vương khẳng định.
Quan điểm của tài khoản Hahnah Trần là sản phẩm của Asanzo đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống ở nông thôn, giúp nông dân có cơ hội dùng những mặt hàng điện tử giá rẻ mà trước đây họ không dám mơ.
"Cái sai của họ ở đây chỉ là đang lừa dối người dùng về xuất xứ. Đúng là phần lớn hàng điện tử ở Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc. Bây giờ Asanzo chỉ cần xin lỗi, và luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm thì chắc người dân vẫn ủng hộ thôi", Hahnah Trần lập luận.
Những bình luận ủng hộ, cổ vũ Asanzo trên fanpage của công ty. Ảnh chụp màn hình.
Một số người nói dù Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc, nhưng họ tạo ra sản phẩm chính hãng, hơn hẳn hàng trôi nổi không có nguồn gốc và không bảo hành.
"Thay vì mua sản phẩm trôi nổi rẻ tiền, người dân có thể mua sản phẩm của Asanzo. Dù là hàng Trung Quốc nhưng chất lượng không tệ", tài khoản Ông Minh bày tỏ.
Những người phê phán trên fanpage của Asanzo
"Lừa gạt nhân dân cả nước", "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản cơ à?", "Kinh doanh bất chính nên giàu nhanh", "Rõ ràng là Asanzo trốn thuế", "Mua sản phẩm của Trung Quốc rồi lắp ráp thành sản phẩm thì đừng nói công nghệ Nhật Bản" là những lời bình luận có nội dung chỉ trích Asanzo.
Đồng ý rằng sản phẩm của Asanzo rẻ và chế độ bảo hành đầy đủ, song nhiều người vẫn cảm thấy họ bị lừa dối bởi danh xưng "hàng Việt Nam chất lượng cao". Một tài khoản có tên Hà Văn Tiệp nhận định giá panel tivi bên Trung Quốc rất rẻ và mức lãi của Asanzo lên tới 7-8 lần giá gốc.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ và bức xúc trước tình trạng nhiều "fan" của Asanzo cố tình lờ một sự thật là Asanzo thay tem, nhãn Trung Quốc trên linh kiện rồi quảng cáo là "hàng Việt Nam chất lượng cao" và "công nghệ Nhật Bản".
"Khui thùng, xé tem Trung Quốc trên sản phẩm rồi tự xưng là 'made in Việt Nam' sao?", một người đặt câu hỏi.
Một số người phân tích rằng nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng "chiêu" nhập hàng Trung Quốc rồi biến thành "hàng Việt Nam chất lượng cao" để quảng bá thương hiệu, song Asanzo "dại" hơn, hoặc tham hơn vì còn có tham vọng xuất khẩu.
"Họ muốn lấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước ngoài", một người lập luận.
Ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Asanzo, nói rằng linh kiện Trung Quốc chiếm 70% tivi của công ty. Ảnh: Asanzo
Chiều 23/6, tại nhà máy sản xuất, ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Asanzo, chính thức lên tiếng trước báo giới sau nghi vấn đưa "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt".
Ông Tam liên tục khẳng định Asanzo không cần bóc tem có dòng chữ "Made in China" khỏi các linh kiện bên trong. Theo ông, Asanzo đã dán tem niêm phong bên ngoài sản phẩm, bảo hành trong 3 năm. Người tiêu dùng không được phép bóc tem. Nếu họ bóc, Asanzo sẽ không chịu trách nhiệm.
Vị tổng giám đốc nhấn mạnh người tiêu dùng cũng không phải quan tâm những vấn đề quá chi tiết bên trong sản phẩm, và Asanzo cũng không buộc phải công bố, bởi công ty đã bảo hành với người tiêu dùng.
Ông khẳng định thao tác bóc nhãn "Made in China" không hề tồn tại trong quy trình sản xuất của Asanzo như Tuổi Trẻ đã đưa, vì thao tác như vậy không giải quyết vấn đề gì và làm phức tạp thêm quy trình đối với những linh kiện đã nằm trong TV.
Về thao tác bóc nhãn, ông Tam nhận định đó có thể là hành vi của cá nhân nào đó trong 2.000 công nhân làm việc tại các nhà máy. Ông khẳng định Asanzo sẽ kiểm soát lại nhân viên và quy trình.
Người điều hành Tập đoàn Asanzo tiết lộ, công ty nhập từ Trung Quốc 3 phần quan trọng nhất của chiếc TV là bo mạch, panel lưng và màn hình kính do Việt Nam chưa sản xuất được. Chúng chiếm 70% cấu thành sản phẩm. 30% còn lại là những chi tiết phụ trợ sản xuất trong nước. Định hướng cuối cùng của doanh nghiệp là tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Khi phóng viên hỏi phần công nghệ Nhật Bản chỗ nào, ông Tam nói rằng chính là phần nghiên cứu đưa ra quy trình, test bo điện. Ông nói con chip TV cũng là của Nhật Bản cung cấp.
Khâu bảo hành và đóng gói là những chi tiết người Việt Nam làm. "Điều khiển được sản xuất tại Việt Nam. Những gì Việt Nam có hoặc làm tốt chúng tôi không nhập", CEO Asanzo nói. "Những thứ tôi đã nêu ra như vậy, mọi người đánh giá cái TV này có thể được ghi xuất xứ Việt Nam hay không?", ông Tam đặt câu hỏi.
"Khó biết Asanzo gian dối vì hồ sơ sạch"
Ngày 22/6, trao đổi với Dân Trí, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc Tập đoàn Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt thì đơn vị này đã tiến hành "tước" danh hiệu HVNCLC của Tập đoàn Asanzo.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng trong nước, dù vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.
"Chúng tôi đánh giá cao hoạt động nghiệp vụ của anh chị em phóng viên đã đầu tư công phu, theo đuổi gần 6 tháng để đưa ra ánh sáng một vấn nạn tai hại là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, mà trong bối cảnh hiện nay thì càng có thể gây ra thiệt hại lớn cho Việt Nam vì có thể bị cho là tiếp tay cho cách làm ăn gian lận, man trá", bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, từ năm 2016 cho đến nay, khi xem xét kết quả sơ bộ cuộc bình chọn hàng năm. Hội Doanh nghiệp HVNCLC nhận được nhiều thông tin về tình hình một số doanh nghiệp mới được thành lập tại các khu công nghiệp nhưng chủ yếu chỉ là lắp ráp bán thành phẩm từ nước ngoài, đóng gói bao bì, hoàn tất khâu cuối, thậm chí là chỉ nhập thành phẩm về, xóa xuất xứ chính gốc rồi dán nhãn "sản xuất tại Việt Nam".
Trao đổi về quy trình kiểm tra, thẩm định chất lượng doanh nghiệp của Hội Doanh nghiệp HVNCLC thì bà Hạnh chia sẻ, sau khi công bố rộng rãi danh sách sơ bộ các doanh nghiệp được bình chọn HVNCLC để xã hội cùng kiểm tra thì Hội Doanh nghiệp HVNCLC sẽ hỏi thông tin phản hồi từ cơ quan quản lý địa phương về tình hình tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau đó, Hội Doanh nghiệp HVNCLC tiếp tục thu thập thông tin từ báo đài, đặc biệt là các khiếu tố, khiếu nại của người tiêu dùng.
Theo bà Hạnh, trong trường hợp của Asanzo, các cơ quan quản lý địa phương không có phát hiện vi phạm về pháp luật và rất nhiều báo đài vẫn liên tục đăng bài biểu dương sản phẩm, danh hiệu, giải thưởng và người đứng đầu tập đoàn.
Mặc dù các cơ quan chức năng còn gặp bất cập trong việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng làm ăn gian dối thì Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã chủ động loại "hàng loạt" doanh nghiệp có dấu hiệu hay chứng cứ vi phạm. Thế nhưng, điều đáng tiếc là Hội đã để sót tên của Asanzo.
"Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này. Chúng tôi tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC đối với doanh nghiệp Asanzo theo điều 6 - Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC", bà Hạnh thẳng thắn chia sẻ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/