|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc chiến 'ngầm' của các nhà máy đường trong cạnh tranh mua mía nguyên liệu

17:09 | 15/10/2021
Chia sẻ
Do diện tích mía nguyên liệu giảm, nhưng vào vụ chế biến, giá đường, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết theo báo cáo của các nhà máy đường, vụ ép 2020-2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6,7 triệu tấn mía, tương đương bằng 90% kế hoạch đầu niên vụ. 

Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 năm qua, dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 25 nhà máy hoạt động trong vụ 2019-2020.

Một số vùng mía tiếp tục bị hạn hán, bão lụt gây hại, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. 

Trong khi đó, giá đường các vụ trước xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại. 

Đầu năm 2021, Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với đường Thái Lan, các nhà máy đường đã nâng giá mua mía từ mức 800.000 – 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 – 1.100.000 đồng/tấn tùy theo vùng.

Động thái này nhằm khuyến khích nông dân duy trì diện tích mía hiện có, mở rộng thêm diện tích trồng mới, từng bước khôi phục diện tích mía vùng nguyên liệu. 

Tuy nhiên, do đây mới là quyết định áp thuế tạm thời và thời điểm ban hành lại rơi vào giai đoạn cuối vụ, giữa mùa khô, không còn phù hợp cho việc trồng mới ở đa số vùng nguyên liệu, ngoài ra ở thời điểm này, cũng không còn nhiều nguồn hom giống và quỹ đất để trồng mới, nên không thể ngay lập tức tăng nhanh diện tăng diện mía vụ 2021-2022. 

Do diện tích mía nguyên liệu giảm, nhưng vào vụ chế biến, giá đường, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng.

Trong đó, gay gắt nhất là ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như việc “cho chữ”, “cho tạp chất”, “cho cước,...” của các nhà máy đường đối với nông dân và thương lái mía để tranh mua mía nguyên liệu. 

VSSA cho rằng chính tình trạng tranh mua mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua chính sách “ngầm” đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân trồng mía, gây bất ổn định cho sự phát triển của các vùng mía tập trung.  

Hình thức mua mía nguyên liệu và thanh toán tiền mía phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam là mua theo chữ đường. 

Sau khi mua nguyên liệu được đưa về nhà máy đường, sẽ được bộ phận kiểm nghiệm chất lượng (KCS) của các nhà máy đường lấy mẫu bằng cách khoan hoặc rút ngẫu nhiên một số cây mía của từng xe mía.

Sau đó, căn cứ vào tỷ lệ tạp chất và chữ đường xác định được và giá mua mía sạch/10 CCS để tính và thanh toán tiền mua mía cho người bán mía nguyên liệu. 

Toàn bộ quá trình lấy mẫu, đánh giá tạp chất và phân tích chữ đường này hiện nay chủ yếu do các nhà máy đường đảm nhiệm, dù trang thiết bị và quy trình phân tích đều đã được các cơ quan đo lường chất lượng kiểm tra, kiểm định định kỳ.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lỗ hổng kỹ thuật, đặc biệt là không có tính độc lập, nên rất dễ dẫn đến tiêu cực. 

Ở một số địa phương, do thói quen sản xuất của người trồng mía, do giá nhân công cao, nên trong quá trình thu hoạch người dân không làm sạch mía theo đúng quy định trong Quy chuẩn mà chấp nhận trừ % tạp chất cao, có nơi lên tới 5% hoặc 6%, ảnh hướng đến thu nhập của người trồng mía và hiệu quả chế biến của nhà máy đường. 

H.Mĩ