Xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam tiếp tục lao dốc
Theo số liệu của Hải quan Thái Lan, trong tháng 8 xuất khẩu đường (HS: 1701) của nước này sang Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2019 khi chỉ đạt 6.071 tấn, giảm mạnh 84% so với tháng trước và giảm 93% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau 8 tháng đầu năm, xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam đã giảm 63,6% (tương ứng giảm 566.434 tấn) so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 323.650 tấn.
Việc bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời khi xuất khẩu vào Việt Nam từ giữa tháng 2 và sau đó là áp thuế chính thức từ giữa tháng 6 là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này.
Nguồn: Hải quan Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Mặc dù đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm mạnh, nhưng trong thời gian qua nhập khẩu đường của Việt Nam từ 5 nước ASEAN là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar có hiện tượng tăng bất thường.
Theo Bộ Công thương, số liệu nhập khẩu của cơ quan Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN bao gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra CBPG, CTC với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.
Cụ thể, lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.
Trước diễn biến này, ngày 21/9/2021, Bộ Công thương ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN nói trên.
Hồ sơ của ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp một số thông tin, bằng chứng cho thấy có dấu hiệu về việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại qua 5 nước nói trên về số lượng nhập khẩu tăng đột biến.
Một số nước ASEAN tăng nhập đường tinh luyện từ Thái Lan và xuất khẩu sang Việt Nam?
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ các 5 nước ASEAN chủ yếu là đường tinh luyện. Trong khi đó, một số nước ASEAN như Campuchia, Lào, Malaysia lại tăng mạnh nhập khẩu loại đường này từ Thái Lan.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 8 tháng đầu năm, Thái Lan đã xuất khẩu 2,3 triệu tấn đường các loại, giảm 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, đường tinh luyện chiếm 47% tổng xuất khẩu với hơn 1 triệu tấn, giảm 32,4%.
Thị trường tiêu thụ đường tinh luyện lớn nhất của Thái Lan trong 8 tháng qua là Campuchia với khối lượng đạt 282.993 tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, xuất khẩu đường tinh luyện của Thái Lan sang Malaysia và Lào cũng tăng mạnh 41,3% và 84,2% so với cùng kỳ, đạt 76.367 tấn và 55.564 tấn.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang Myanmar và Indonesia giảm lần lượt là 18,1% và 70,9% so với cùng kỳ, đạt 54.843 tấn và 13.447 tấn.
Nguồn: Hải quan Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Trong bối cảnh các nước trong khu vực ASEAN đều đã mở cửa ngành mía đường, Thái Lan với lợi thế về giá cả cạnh tranh đang xuất khẩu lượng lớn đường sang các nước trong khu vực.
Ngược lại, các nước khác trong khối ASEAN lại xuất khẩu khối lượng khá hạn chế do không thể cạnh tranh được với đường giá rẻ từ Thái Lan hoặc Brazil hay Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc Việt Nam chính thức mở cửa ngành mía đường từ đầu năm 2020 theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã khiến thương mại đường của khu vực thay đổi. Một số nước trước đây chưa từng xuất khẩu đường hoặc xuất khẩu không đáng kể đã xuất khẩu một khối lượng lớn đường vào Việt Nam.
Khối lượng xuất khẩu đường của các nước ASEAN sang Việt Nam đặc biệt tăng cao sau khi Việt Nam áp thuế CBPG và CTC đối với đường mía của Thái Lan.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), thực chất nhập khẩu đường của Việt Nam từ 5 nước ASEAN tăng đột biến trong thời gian qua là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Không những vậy, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tại các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, đường cát nhập lậu vẫn được tuồn vào nội địa với khối lượng lớn.
Đối chiếu số liệu nhập khẩu đường từ Campuchia vào Việt Nam và số liệu nhập khẩu đường Thái Lan vào Campuchia trong cùng thời gian cho thấy có chênh lệch lớn.
VSSA cho rằng chắc chắn là Campuchia nhập khẩu đường Thái Lan không để tiêu dùng trong nước mà chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu vào Việt Nam (chính ngạch và nhập lậu).
Còn theo một số chuyên gia trong ngành, mức độ mở cửa không đồng đều, thuế nhập khẩu chênh lệch giữa Việt Nam và các nước trong khối ASEAN dẫn đến nguy cơ không chỉ đường Thái Lan mà đường của Brazil, Ấn Độ cũng có thể thông qua các nước ASEAN để lẩn tránh thuế vào Việt Nam.
Hiện nay, mức thuế mà Việt Nam áp dụng đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan là 47,64% bao gồm thuế CBPG và CTC (từ ngày 16/6/2021); còn thuế nhập khẩu đường từ Ấn Độ và Brazil cũng lên đến 80 – 85%, thậm chí có loại lên đến 100%.
Trong khi đó, các nước trong ASEAN đang áp thuế chỉ từ 0 - 3% đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và Ấn Độ, trong khi thuế nhập khẩu đường từ Brazil là 3 - 10%. Riêng Indonesia áp dụng mức thuế nhập khẩu 5 - 10% đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và 550 – 790 Rp/kg đối với nhập khẩu đường từ Ấn Độ và Brazil.