|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát bitcoin sau khi ETF được thông qua

17:27 | 17/01/2024
Chia sẻ
Bitcoin có thể sắp đối mặt với một cuộc chiến tranh giành quyền lực, giữa một bên là những nhà đầu tư lâu năm, tin vào sự phi tập trung và một bên là các ông lớn tài chính như BlackRock, Fidelity ...

Ông Larry Fink, CEO của BlackRock là một trong những người ủng hộ bitcoin. (Ảnh: Fabrice Coffrini/CNBC).

Những người chơi mới

Theo CoinDesk, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay đã có sự xuất hiện của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong cộng đồng tiền mã hóa. Tuy nhiên, sự hiện diện trên cũng làm bật lên một nghịch lý đối với ngành công nghiệp tiền này. 

Một mặt, ngành công nghiệp tiền mã hóa muốn có sự chấp nhận từ cộng động doanh nghiệp truyền thống. Mặt khác, một số lại lo ngại rằng sự ủng hộ này sẽ khiến những đặc tính của tiền mã hóa như sự đột phá hay nổi loạn, phi tập trung bị suy yếu. 

2024 được kỳ vọng là năm mà doanh nghiệp tài chính truyền thống tiếp cận nhiều hơn với tiền mã hóa. Ngay trong những ngày đầu năm, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã chấp thuận một loạt ETF bitcoin giao ngay, tạo cơ hội để những nhà quản lý tài sản khổng lồ như BlackRock hay Fidelity và các ngân hàng như Goldman Sachs, JPMorgan tham gia vào thị trường non trẻ này. 

Câu hỏi đang đặt ra là, liệu sử tham gia của những tổ chức trên có ảnh hưởng đến cán cân quyền lực của bitcoin hay không.

Liệu những người theo chủ nghĩa bitcoin tuyệt đối (bitcoin maxis) hay những nhà đầu tư liều lĩnh (degens), vốn đánh giá cao sự phi tập trung, bảo mật và tự do, chấp nhận việc các ông lớn tài chính kiểm soát bitcoin?

Liệu BlackRock, Goldman Sachs hay JPMorgan sẽ đặt ra yêu cầu chỉ mua bitcoin được khai thác bởi năng lượng tái tạo hoặc không liên quan tới hoạt động tội phạm? Liệu những nhu cầu trên khiến thợ đào phải thay đổi cách thức khai thác hay không?

Cuộc chiến kiểm soát bitcoin

Vào năm 2017, cộng đồng bitcoin từng xảy ra “Cuộc chiến kích thước khối”. Thời điểm đó, 58 doanh nghiệp tiền mã hóa đã vận động để nâng dung lượng cho mỗi khối (block).

Các doanh nghiệp trên muốn giảm tình trạng tắc nghẽn trên mạng, xử lý được nhiều giao dịch và thu được nhiều phí hơn. Một số thợ đào cũng đã ủng hộ đề xuất trên. 

Tuy nhiên, các nhà phát triển và người dùng lại phản đối việc tăng kích thước khối quá 2 MB (megabytes). Những người này cho rằng việc nâng kích thước sẽ khiến chi phí giao dịch tăng cao, tạo ra một mạng lưới tập trung hơn.

Nhóm phản đối đã đưa ra một đề xuất khác và quyết định từ chối bất cứ bitcoin nào được phe yêu cầu tăng kích thước chuỗi khối khai thác. Cuối cùng, phe nhà phát triển và người dùng đã chiến thắng, bất chấp lợi thế về quy mô tài sản trong mạng lưới bitcoin của những ‘cá voi’ và thợ đào. 

Giờ đây, thị trường lại đặt câu hỏi rằng liệu ‘những kẻ nhỏ bé’ trên có thể tiếp tục quyết định tương lai của bitcoin hay không, trong bối cảnh các ETF giao ngay có thể sở hữu một phần rất lớn nguồn cung của đồng tiền này. 

Khoảng 40% nguồn cung bitcoin đang nằm trong tay những 'cá voi' nắm giữ từ 1.000 BTC trở lên.

Một số nhà phân tích ước tính rằng nhu cầu ETF bitcoin có thể lên đến 100 tỷ USD. Nếu vậy, số bitcoin trong tay các ông lớn tài chính truyền thống sẽ chiếm khoảng 1/8 tổng nguồn cung trên thị trường.

Tuy nhiên, không phải tất cả nguồn cung bitcoin hiện nay đều đang trong trạng thái hoạt động tích cực. Chẳng hạn, một lượng lớn bitcoin vẫn nằm yên trong các ví lạnh trong hơn 5 năm. Số bitcoin này có thể thuộc về những nhà đầu tư nắm giữ dài hạn hoặc vì chủ sở hữu của chúng đã quên mật khẩu.

Theo ước tính của Glassnode, khoảng 30% nguồn cung bitcoin đang trong trạng thái không hoạt động và có thể coi như những “đồng tiền chết”. 

Bởi vậy, nếu các ETF giao ngay nắm giữ số bitcoin trị giá 100 tỷ USD, các ông lớn trong ngành tài chính sẽ có khả năng kiểm khoát 17% nguồn cung bitcoin.

Ngoài ra, Phố Wall không phải là những người nắm giữ bitcoin khổng lồ duy nhất. Theo số liệu từ Bitcoin Rich List, hiện có khoảng 2.000 địa chỉ “cá voi”, nắm trong tay hơn 1.000 bitcoin mỗi ví và kiểm soát 40% tổng nguồn cung. Những “cá voi” này cũng sẽ là một biến số lớn trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát tương lai của bitcoin.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).