Cuộc chiến giá dầu thô sẽ kéo dài trong bao lâu?
Cả Arab Saudi và Nga đều có tiềm lực tài chính để duy trì cuộc chiến
Theo tờ South China Morning Post, Thái tử Arab Saudi ông Mohammed bin Salman vừa châm ngòi cuộc chiến giá dầu thô. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến này kéo dài có thể gây thiệt hại rất nhiều tiền và ông Mohammed bin Salman sẽ không thực sự sẵn sàng trả cho cuộc chiến này.
Nếu giá dầu thô không thể phục hồi và chỉ bằng một nửa mức giá mà Arab Saudi có thể cân bằng ngân sách, nền kinh tế và cả tham vọng cải tổ nền kinh tế của thái tử Mohammed bin Salman sẽ chịu nhiều tổn thất.
Ngành năng lượng chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Arba Saudi và 2/3 nguồn thu ngân sách nhà nước.
Nếu giá dầu Brent vẫn giữ ở mức 35 USD/thùng mà không có sự điều chỉnh chi tiêu, nền kinh tế Arab Saudi có thể thâm hụt 15% tổng sản lượng quốc gia trong năm 2020, trong khi dự trữ ngoại tệ ròng có thể cạn kiệt trong vòng 5 năm, theo Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi.
“Arab Saudi đã tích trữ đủ nguồn tiền để cho phép họ duy trì giá dầu thô ở mức thấp. Nhưng điều này sẽ “ngốn” Arab Saudi rất nhiều tiền mà lẽ ra tiền đó có thể dùng để đa dạng hóa nền kinh tế”, ông Tarek Fadlallah, Giám đốc tại công ty Nomura Asset Management nhận định.
Thị trường dầu thô chứng kiến đợt lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1991 vào hôm 10/3 sau khi OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) thất bại trong việc nâng hạn mức giảm sản lượng do Nga không đồng ý.
Đáp trả động thái từ phía Nga, Arab Saudi bất ngờ hạ giá bán đồng thời tuyên bố sẽ tăng sản lượng. Điều này cho thấy Arab Saudi đang nỗ lực lấy lại thị phần trên thế giới từ tay Mỹ và Nga, đồng thời tăng doanh thu mặc cho nhu cầu dầu thô đang có xu hướng giảm.
Ngân hàng Bank of America Global Research và Ngân hàng Goldman Sachs cùng đưa ra dự báo giá dầu thô có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng.
Ngân hàng Trung ương Arab Saudi cho biết tài sản nước ngòi ròng giảm khoảng 1/4 so với mức đỉnh thiết lập năm 2014. Chính phủ đang đặt mục tiêu thâm hụt tài chính chỉ khoảng 6,4% tổng GDP năm nay khi giá dầu Brent trung bình ở mức 65 USD/thùng. Trong khi đó, nước này cần giá dầu thô ở mức 84 USD/thùng mới có thể cân bằng ngân sách.
Trái lại, Nga sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán với OPEC, mục đích nhằm gây tổn hại cho đối thủ của mình là Mỹ bởi nước này đã có nguồn ngân sách dự phòng cho tình huống giá dầu thấp.
Trong khi đó, do việc chi tiêu công cho các dự án và phục lợi xã hội đóng vai trò quan trọng nên “chính trị của Arab Saudi nhạy cảm với những áp lực kinh tế hơn Nga”, chiến lược gia tại công ty Tellimer, ông Hasnain Malik nhận định.
“Cả Nga và Arab Saudi đều có tiềm lực tài chính và sức sản xuất để duy trì cuộc chiến về giá trong nhiều quí. Nhưng nếu giá dầu thô giảm trên 35% trong vòng 1 tuần thì có thể thời gian của cuộc chiến sẽ rút ngắn lại”, ông Malik nhận định.
Cuộc chiến giá dầu thô tác động thế nào đến ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ?
Theo CNBC, hầu hết chuyên gia phân tích phủ nhận ý kiến rằng mục đích của cuộc chiến giá dầu thô giữa Nga và Arab Saudi hướng đến ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ. Tuy nhiên, ngành này cũng được dự báo sẽ chịu thiệt hại từ cuộc chiến này.
Giới chuyên gia tại công ty Securing America’s Future Energy cho rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến giá dầu thô.
“Arab Saudi được xem là quốc gia sản xuất dầu thô quyết định giá quốc tế lên hay xuống tùy vào sản lượng của họ. Tuy nhiên, hầu như họ chỉ tạo ra sự biến động gây thiệt hại cho thị trường tự do và khả năng cạnh tranh.
Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc theo dõi động thái của Arab Saudi bởi nước này sẽ điều chỉnh giá dầu sao cho phù hợp với những ưu tiên của họ”, ông Robbie Diamond, Chủ tịch Securing America’s Future Energy nhận định.
Ban đầu, ông Trump ủng hộ cuộc chiến giá dầu thô giữa Arab Saudi và Nga bởi điều này có lợi cho người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, Arab Saudi tuyên bố sẽ nâng sản lượng dầu thô lên 13 triệu thùng/ngày và thị trường đứng trước nguy cơ dư cung. Nhiều chuyên gia cho rằng hành động này của Arab Saudi có thể tạo ra làn sóng phá sản và cắt giảm đầu tư của các công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu đá phiến.