|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc chiến giá dầu thô chỉ làm cuộc chiến chống virus corona thêm khó khăn

18:29 | 11/03/2020
Chia sẻ
Đại diện Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn đó là chiến đấu chống lại virus corona. Tuy nhiên, việc Nga và Arab Saudi châm ngòi cho cuộc đấu đá lẫn nhau khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn.

Cuộc đấu đá dành thị phần càng làm tình hình chống dịch virus corona thêm khó khăn

Nga và Arab Saudi sẽ làm hỏng nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do virus corona nếu họ vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh giá dầu thô, đại diện Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo. 

Đồng thời, cơ quan này cũng nhận định rằng các nước xuất khẩu dầu thô nghèo hơn sẽ gặp khó khăn khi doanh thu giảm.

Fatih Birol, Giám đốc của IEA, chỉ trích cả Nga và Arab Saudi đều “vô trách nhiệm” và coi thường mối đe dọa dịch bệnh đối với toàn thế giới. 

“Thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn đó là chiến đấu chống lại virus corona”, ông Briol trả lời phỏng vấn tờ Financial Times. “Tôi cho rằng cả Nga và Arab Saudi đều rất vô trách nhiệm khi tạo ra cuộc chiến giá dầu thô tại thời điểm này. 

Mọi người trên thế giới sẽ không quên những quốc gia nào tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh và cả những quốc gia nào châm ngòi cho cuộc đấu đá lẫn nhau khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn”, ông Briol nói.

Vị này nhận định các nước phụ thuộc lớn vào dầu thô như Algeria, Iraq và Nigeria có thể đối mặt với tình trạng ngân sách giảm mạnh do giá dầu thô giảm tới gần 25% trong tuần này trong khi vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ virus corona.

Cả Arab Saudi và Nga đều đe dọa sẽ tạo ra “cơn lũ” dầu thô trên thị trường bằng việc tăng sản lượng sau khi OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) không đạt được được sự nhất trí về việc nâng hạn mức cắt giảm nguồn cung. 

Nhu cầu dầu thô giảm do ngành hàng không và du lịch bị hạn chế khi cả Trung Quốc và Italy phong tỏa nhiều vùng trên toàn quốc trong vòng hai tháng qua.

Theo CNN, hôm 9/3 dự báo nhu cầu dầu thô trên thế giới trong năm 2020 sẽ giảm. Đồng thời, đây cũng sẽ là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009.

Bằng việc liên hệ giữa cuộc chiến giá dầu thô với dịch virus corona, ông Birol nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc khiến thị trường năng lượng bất ổn trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang gồng mình chống trọi với dịch bệnh này. Hiện trên toàn thế giới có khoảng 113.000 người nhiễm và 4.000 người thiệt mạng bởi bệnh dịch này.

Iraq, một trong những quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất bởi dịch bệnh, hôm 10/3 cảnh báo cuộc chiến giá dầu thô nhằm bảo vệ thị phần không được các nước sản xuất dầu thô còn lại ủng hộ. Hiện tại Iraq đang đàm phán với các nước thành viên OPEC+.

Mục đích hạ gục ngành công nghiệp dầu đá phiến có thành hiện thực?

Cả Nga và Arab Saudi đều có mục tiêu chung là “hạ gục” ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Theo Investing.com, giá dầu thô Mỹ lao dốc mạnh nhất từ năm 1991 xuống còn 28 USD/thùng - mức giá dưới chi phí sản xuất của các công ty khai thác dầu thô Mỹ. Cổ phiếu và trái phiếu của các công ty khai thác dầu đá phiến cũng giảm vào thứ Hai.

Tuy nhiên, ông Briol cho rằng đây là chiến lược sai lầm.

“Vẫn còn quá sớm và vội vàng nếu kết luận rằng ngành công nghiệp dầu đá phiến sẽ sụp đổ với mức giá hiện tại. Dầu đá phiến sẽ quay trở lại”, ông Briol nói.

Chi phí sản xuất dầu đá phiến cao hơn nhiều so với sản xuất dầu tại Arab Saudi. Điều này khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn nếu giá dầu thô xuống thấp. 

Theo CNN, các quốc gia Vùng Vịnh sản xuất dầu thô với chi phí thấp nhất thế giới. Theo đó, chi phí sản xuất tại Arab Saudi, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dao động trong khoảng 2 - 6 USD/thùng. 

Tuy nhiên, do mức chi tiêu của chính phủ cao kèm theo các chương trình hỗ trợ người dân lớn nên họ sẽ cần giá dầu thô ở mức ít nhất 70 USD/thùng để cân bằng ngân sách.

H.Mĩ