|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến 'cứu thế giới' của Gojek

14:34 | 07/07/2021
Chia sẻ
Phát triển bền vững là mục tiêu của nhiều hãng gọi xe lớn trên thế giới, Gojek không phải ngoại lệ.

Khi biến đổi khí hậu dần trở thành một vấn đề không thể đảo ngược, các công ty gọi xe như Uber và Lyft đang cam kết loại bỏ khí thải carbon cho tới năm 2030. Gojek, một trong những "ông lớn" gọi xe Đông Nam Á cũng đang có tham vọng tương tự với dự án chuyển đổi xe các đối tác tài xế từ chạy xăng sang chạy điện.

Cuộc chiến 'cứu thế giới' của Gojek - Ảnh 1.

Tài xế Gojek trong đại dịch. (Ảnh: Gojek)

"Để đạt được lượng khí thải bằng 0, chúng tôi không nhìn nhận chiến dịch này như một giải pháp để cứu thế giới mà nó còn mang đến nhiều giá trị kinh tế tiềm năng trong vòng từ 5 năm đến 10 năm tiếp theo", ông Raditya Wibowo, giám đốc mảng dịch vụ vận tải của Gojek, chia sẻ với Tech in Asia.

Xe điện sẽ là một cột trụ quan trọng trong tham vọng của Gojek song hạ tầng xe điện vẫn còn khá khiêm tốn ở thị trường quan trọng nhất của hãng này, Indonesia. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang xe điện cũng chưa mang lại ảnh hưởng quá lớn khi phần lớn điện năng của Indonesia vẫn được tạo ra từ than đá.

Dù vậy, nếu chuyển đổi thành công, mô hình kinh doanh của Gojek vẫn có thể mang đến nhiều khác biệt.

"Thời điểm tốt nhất để bắt đầu đã là ngày hôm qua", ông Tanah Sullivan, giám đốc phát triển bền vững của Gojek, chia sẻ. "Nếu không thay đổi quỹ đạo mà mình đang đi, chúng ta sẽ tiến đến viễn cảnh thảm hoạ cho nhiều người".

Cuộc chiến 'cứu thế giới' của Gojek - Ảnh 2.

Nhiều công ty đang cam kết lượng phát thải carbon ròng bằng 0 nhưng các công ty gọi xe thì muốn tiến một bước xa hơn. Thay vì cấn trừ lượng khí thải nhà kính sản sinh, các công ty gọi xe cam kết không phát thải carbon, đồng nghĩa với việc sẽ không trực tiếp tạo ra bất kỳ lượng phát thải nào.

Hiện tại, đối thủ của Gojek là Grab đang rục rịch ra mắt một tính năng cho phép bù trừ lượng phát thải ngay trong ứng dụng của mình. Với tính năng này, khách hàng có thể mua phần bù trừ phát thải carbon với mức giá dưới 0,10 USD/chuyển đi.

Đối với các công ty gọi xe, phát thải carbon là phần không thể tách rời với chiến lược kinh doanh. Đơn cử, thay đổi khí hậu có thể có những tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các hãng gọi xem (ví dụ, trời mưa nhiều sẽ làm giảm nhu cầu dịch vụ gọi xe ôm). Quan trọng hơn, phát thải carbon là một "sản phẩm" của bất kỳ hình thức kinh doanh vận tải nào.

Gần 95% phát thải carbon của Gojek đến từ các sản phẩm và dịch vụ của nó. Trong năm 2020, Gojek tạo ra hơn 1 triệu tấn tương đương CO2. Trong năm 2019, Indonesia sinh ra 625,7 triệu tấn tương đương CO2, xếp thứ 9 trên toàn cầu.

Quốc đảo này "là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu", ông Sullivan nói. Vì phần lớn phát thải đến từ dịch vụ gọi xe và giao đồ của Gojek, ưu tiên hàng đầu của Gojek là xe điện – tương tự nhiều hãng gọi xe khác. Dù vậy, thành bại của chiến lược này phụ thuộc vào sự hợp tác của các đối tác tài xế.

Ông Djoko Setijowarno đến từ Tổ chức Vận tải Xã hội Indonesia (MTI) cho rằng sẽ rất khó để thuyết phục tài xế tham gia dự án của Gojek trừ khi họ nhận được các giá trị đo đếm được, ví dụ như thu nhập tăng. Nỗ lực của Gojek còn thách thức hơn vì các tài xế Gojek vốn vẫn chỉ được xem là lao động tự do thay vì là nhân viên toàn thời gian của công ty này.

"Nhiều tài xế cảm thấy họ là nạn nhân của kinh doanh trực tuyến", ông Setijowarno chia sẻ. "Họ phải chịu các khoản cho vay trả góp. Vì thế nếu mô hình kinh doanh không thay đổi, họ sẽ không cảm thấy hấp dẫn".

Gojek thừa nhận chi phí cao là rào cản để chuyển đổi sang xe điện. Gesits, một hãng xe điện Indonesia mà GoTo đang muốn hợp tác, bán xe với giá khoảng 1.960 USD. Con số này cao hơn khá nhiều so với chiếc Honda Supra, dòng xe máy phổ biến nhất ở Indonesia, với giá khoảng 1.400 USD.

Chiến dịch thử nghiệm mà Gojek triển khai hồi năm ngoái cũng vấp phải nhiều thách thức khác. Ví dụ, xe điện có động cơ yếu hơn, khó chăm sóc, điều khiển hơn trong khi đó hạ tầng sạc, thay pin chưa có độ phủ lớn.

Theo ông Wibowo, giải pháp cho các vấn đề này có thể nằm ở chiến lược đổi pin. Dù vậy, ông thừa nhận chiến lược này sẽ yêu cầu rất nhiều vốn đầu tư.

"Nó giống như vấn đề con gà – quả trứng", ông nói. "Bạn cần xây hạ tầng này nhưng mặt khác bất kỳ ai đầu tư tiền vào nó cũng muốn đảm bảo có nhu cầu thị trường".

Trong một số lần thử nghiệm, Gojek thử nghiệm công nghệ sạc pin nhanh song nó không đủ hấp dẫn với tài xế vì vẫn tốn nhiều thời gian hơn đổ xăng. Vì thế, Gojek muốn thực hiện chiến lược đổi pin, trong đó tài xế có thể đổi pin hết lấy pin mới thông qua mạng lưới đăng ký trả phí.

Tài xế đăng ký chương trình đổi pin chỉ cần mua xe và không cần không mua. Điều này có thể hạ giá thành mua xe bởi chi phí pin thường chiếm từ 30% đến 40%.

Gojek sẽ thử nghiệm chương trình đổi pin vào quý III năm nay ở Jakarta trước khi mở rộng sang các khu vực khác.

Để thúc đẩy chuyển đổi, Gojek cũng có thể sẽ cho thuê xe điện cho tới khi hạ tầng đổi pin được hoàn thiện.

Mục tiêu của Gojek không chỉ dừng lại ở việc thuyết phục tài xế chuyển từ động cơ đốt trong sang xe điện mà còn thuyết phục cả thị trường Indonesia. Để làm được điều này, Gojek tin rằng cách tốt nhất là tạo ra trải nghiệm sản phẩm phù hợp với các tài xế.

Cuộc chiến 'cứu thế giới' của Gojek - Ảnh 3.

Cuộc chiến bền vững không phải câu chuyện của riêng ai. Gojek có thể tác động đến hàng triệu người dùng và tài xế của nó nhưng vẫn cần đối tác ở nhiều lĩnh vực khác như chính phủ, chuỗi giá trị và các nhóm khác để hiện thực hoá được tham vọng.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng có hạ tầng sạc điện yếu. Vì thế, bên ngoài các thành phố lớn, việc đón nhận xe điện sẽ là thách thức.

Dù vậy, Gojek tin rằng nỗ lực "xanh hoá" mô hình kinh doanh của nó sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nhiều ngành công nghiệp mới, ví dụ như xe điện, ông Wibowo chia sẻ thêm.

Để đảm bảo tiến độ, Gojek đã thành lập một hồi đồng tư vấn bền vững gồm nhiều chuyên gia để đánh giá mức độ khả thi của dự án và đảm bảo dự án song hành với các mục tiêu toàn cầu.

Gojek cũng đang hợp tác với các tập đoàn nhà nước như Pertamina (xăng dầu) và PLN (điện) để tham gia vào dự án xe điện. Nhiều người kỳ vọng những gì Gojek đang thực hiện sẽ truyền cảm hứng cho các công ty công nghệ khác.

"Chúng tôi không giải bài toán này một mình", ông Sullivan nói. "Chúng tôi sẽ làm phần của mình và song hành với cả hệ sinh thái và chuỗi giá trị hướng đến cuộc chuyển đổi sang các năng lượng tái chế".

Nam Khánh