|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đem lại ‘thành công ngoài sức tưởng tượng' cho Tổng thống Biden

10:21 | 05/09/2023
Chia sẻ
Mục đích của chính quyền Tổng thống Biden trong cuộc chiến bán dẫn là duy trì vị thế nền kinh tế số một thế giới của Mỹ và ngăn cản Trung Quốc phát minh những vũ khí mới có thể thách thức quân đội Mỹ.

Hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden vào năm 2012 , khi hai người lần lượt là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc và Phó Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Dầu mỏ của thế kỷ 21

Tháng 10/2022 là khởi đầu của cuộc chạy đua mới giữa Mỹ và Trung Quốc: chip bán dẫn. Sau hơn 10 tháng, ông Kevin Klyman, nhà nghiên cứu chính sách công nghệ tại Đại học Harvard, nhận xét: “Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thu được kết quả khá tốt về mặt lôi kéo các nước đồng minh về phe mình”.

Chip bán dẫn là bộ phận không thể thiếu cho hàng loạt sản phẩm từ máy tính cho đến ô tô, có thể được ví như dầu mỏ của thế kỷ 21.

Tổng thống Biden mở đầu cuộc đua vào ngày 7/10/2022 với một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế Trung Quốc thu mua các loại chip tiên tiến. Chính sách của ông Biden còn nhắm đến những thiết bị có thể được sử dụng để sản xuất chip công nghệ cao, ví dụ như máy in thạch bản hiện đại nhất của công ty Hà Lan ASML.

Các biện pháp trên tạo ra rào cản lớn, ngăn Trung Quốc tự phát triển những mẫu chip tiên tiến nhất. Và các đồng minh của Mỹ bao gồm Hà Lan và Nhật Bản cũng đã tham gia nỗ lực này, khiến các chuyên gia như ông Klyman sửng sốt.

Ông nói với tờ Fortune: “Việc Nhật Bản và Hà Lan tham gia vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ là một thành công phi thường, vượt quá sức tưởng tượng của tất cả mọi người”.

Tháng trước, ông Biden đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp khác, cấm người Mỹ đầu tư vào ba lĩnh vực công nghệ thiết yếu của Trung Quốc là chất bán dẫn, công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI). Lệnh cấm có hiệu lực từ năm sau và chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình các quỹ đầu tư thoái vốn khỏi Trung Quốc.

Vài tuần sau đó, ông Biden phái Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo tới Bắc Kinh. Bà Raimondo cố gắng khẳng định với các quan chức Trung Quốc rằng Mỹ không tìm cách “chia tách” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, khi giới chức Trung Quốc yêu cầu Mỹ “giảm bớt các biện phát kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ”, bà đã từ chối. Bà chia sẻ lý do với các phóng viên: “Chúng ta không thương lượng về các vấn đề an ninh quốc gia”.

Ông Klyman và các chuyên gia khác đánh giá rằng cuộc chiến bán dẫn sẽ gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Ông cho biết: “Các động thái của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực chip tiên tiến, mà chúng còn gây ra hậu quả đối với toàn bộ lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc”.

Vạch chiến tuyến

Cuộc chiến giành ngôi vương trong lĩnh vực chip bán dẫn là chủ đề nóng ngay từ năm 2020. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã làm nổi bật tầm quan trọng của chip trong mọi mặt của cuộc sống hiện đại. Khi sản lượng chip bị đình trệ, các nhà sản xuất ô tô bị ảnh hưởng nặng nề và người tiêu dùng phải chuyển sang mua ô tô cũ.

Ông Chris Miller, Giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts, cũng đồng tình rằng chính quyền ông Biden đã đạt được chiến thắng lớn bất ngờ bởi ngoài Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và Hà Lan là hai quốc gia giữ vai trò quan trọng nhất về máy móc trong ngành chip.

Ông nóiTrung Quốc sẽ rất khó có thể “lách” qua những hạn chế xuất khẩu trên. Do đó, ông đồng tình rằng chính sách của Nhà Trắng sẽ cản trở được nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp chip tiên tiến của Trung Quốc.

Chia sẻ với tờ Fortune, ông Miller nói: “Mỹ xác định chip bán dẫn là thứ vô cùng cần thiết cho quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Do đó, Nhà Trắng đã cố hết sức để làm suy yếu ngành chip của Trung Quốc bằng các động thái chưa từng có”.

Ngành công nghiệp hơn 500 tỷ USD

Chip bán dẫn là ngành công nghiệp lớn, ghi nhận doanh thu cao nhất mọi thời đại là 574 tỷ USD vào năm 2022, theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn.

Chip bán dẫn là huyết mạch của hầu hết mọi công nghệ hiện đại, từ lò vi sóng, ô tô đến máy bay chiến đấu, nhưng điều khiến Mỹ lo ngại nhất là các vũ khí chưa được phát minh. Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ lưu ý rằng chip bán dẫn là bộ phận cần thiết để đào tạo các hệ thống AI mà sau đó Trung Quốc có thể sử dụng để xây dựng quân đội đối đầu với Mỹ.  

Ông Jeffrey Ding, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Watshington, cho biết AI có thể được dùng để chế tạo vũ khí tự động hoặc gia tăng sức mạnh quân sự thông qua những phát minh không nhất thiết liên quan đến vũ khí.

Nhưng ông cho rằng hiện tại, tác động của các biện pháp hạn chế xuất khẩu đang nhắm đến mục tiêu cơ bản hơn, đó là duy trì vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ.

Ông Ding ví AI với điện - công nghệ có khả năng áp dụng rộng rãi tới mức có thể làm xoay chuyển các nền kinh tế và cán cân quyền lực toàn cầu. Một số chuyên gia kỳ vọng rằng các lệnh hạn chế xuất khẩu chiến lược sẽ giúp Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ trong suốt thời đại này bằng cách cản trở ngành chip và AI của Trung Quốc trước khi chúng vươn cao.

Ông Scott Young, nhà phân tích địa công nghệ tại Eurasia Group, nói rằng hiện tại, Trung Quốc rất khó có thể tự tạo ra máy móc cần thiết để sản xuất những con chip tiên tiến nhất. Ông cho biết máy in thạch bản của ASML “phức tạp đến mức việc mổ xẻ và sao chép chúng là điều gần như không thể”.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.