|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nvidia: Kẻ độc quyền duy nhất trong ngành công nghiệp AI

14:36 | 19/05/2023
Chia sẻ
Mãi cho tới gần đây, thị trường mới dành nhiều sự chú ý cho Nvidia. Trong lúc đó, gã khổng lồ phần cứng này đã lần lượt chiếm lĩnh thị trường trò chơi điện tử (gaming), khai thác tiền mã hóa và gần nhất là AI.

Nvidia có tiềm năng trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, không thiếu những lời tiên tri về cái kết của gã khổng lồ phần cứng này.

Từ những năm 2015 đã xuất hiện những dự báo như "ngay khi nhu cầu máy tính tự lắp ráp đi xuống, Nvidia sẽ sụp đổ", "Nvidia sẽ sụp đổ ngay khi cơn sốt bitcoin (BTC) kết thúc", hoặc "ngay khi cơn ác mộng chuỗi cung ứng kết thúc, Nvidia sẽ ra đi theo".

 

Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Nvidia vẫn trụ vững qua cơn sóng gió. Doanh thu của Nvidia có thể sụt giảm sau khi chu kỳ nhu cầu đi xuống, nhưng lại nhanh chóng phục hồi và tăng cao hơn.

Cổ phiếu Nvidia có khả năng phục hồi tốt hơn bất cứ cổ phiếu công nghệ lớn (Big Tech) nào trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chẳng hạn, vào năm ngoái, cổ phiếu Nvidia đã sụt giảm 68% do nỗi lo về suy thoái. 

Nhưng không giống như hai đối thủ chính là Intel và AMD, cổ phiếu của Nvidia hiện nay đã vượt đỉnh của năm 2022. Chỉ trong gần 6 tháng đầu năm 2023, giá cổ phiếu Nvidia đã tăng 110,8%, dẫn đầu trong làn sóng phục hồi của Big Tech. Tính đến ngày 17/5, Nvidia là công ty có vốn hóa lớn thứ 6 trên thế giới, vượt qua cả Meta (Facebook) và Berkshire Hathaway.

Nếu chỉ xét riêng trong ngành bán dẫn, vốn hóa của Nvidia gần bằng Samsung Electronics và TSMC cộng lại. Vốn hóa của Nvidia đang gấp hơn 6 lần Intel.

Phe chỉ trích cho rằng Nvidia là Big Tech được định giá quá cao so với giá trị thực, vượt qua cả Tesla. Trong năm tài chính 2023 (từ 29/1/2022 đến 29/1/2023), Nvidia chỉ thu về gần 4,4 tỷ USD lợi nhuận ròng trong khi vốn hóa là gần 750 tỷ USD.

Vào ngày 17/5, hệ số P/E (tỷ lệ giá trên thu nhập) của cổ phiếu Nvidia đạt gần 173 lần. Hay có thể hiểu rằng, giá cổ phiếu của Nvidia đang cao gấp 173 lần thu nhập/cổ phiếu (EPS). P/E của Tesla mới chỉ hơn 51, còn Apple là 29,3.

Tuy nhiên, rất có thể mức định giá cao ngất ngưởng này là hoàn toàn hợp lý. Nvidia hiện đang đứng đầu với sản phẩm GPU (vi xử lý đồ họa), là một người chơi lớn trong các sản phẩm điện toán đám mây và kẻ độc quyền duy nhất trong ngành AI. 

Có khả năng Nvidia bị định giá quá mức hoặc cũng có thể tương lai của doanh nghiệp này thực sự xán lạn. Intel đang có P/E âm (thua lỗ).

Bùng nổ nhờ bitcoin

Nvidia được thành lập từ năm 1993, nhưng phải tới vài năm gần đây, công ty mới thu hút được sự chú ý của giới đầu tư. Trước năm 2016, Nvidia chủ yếu phục vụ cho thị trường phần cứng máy tính với các sản phẩm GPU.

Nvidia cũng là nhà cung ứng phần cứng cho Tesla. Tuy nhiên, thị trường phần cứng máy tính có quy mô tương đối hạn chế, còn Tesla vào năm 2016 cũng chỉ là một công ty sản xuất ô tô nhỏ.

Trong khi đó, AMD - đối thủ lớn nhất của Nvidia - lại đang cung cấp GPU cho máy chơi game của cả ba gã khổng lồ trò chơi điện tử là Sony, Microsoft và Nintendo.

Vận số của Nvidia đã thay đổi vào năm 2016, khi cơn sốt đào tiền mã hóa bắt đầu. 

Trước năm 2022, giá cổ phiếu của Nvidia chịu ảnh hưởng lớn từ chu kỳ của BTC.

Để tạo ra BTC hoặc nhiều loại tiền mã hóa khác, trước hết chúng ta cần phải giải quyết các bài toán phức tạp trên mạng blockchain, hay còn gọi là "đào" (mining). Năm 2016, những chiếc GPU từ Nvidia và AMD là cách nhanh và hiệu quả nhất để “đào” một số loại tiền mã hóa.

Năm đó, Nvidia vẫn chưa dẫn trước AMD quá xa về sức mạnh phần cứng, nhưng lại vượt trội về hiệu năng (tiêu tốn ít điện hơn). 

Khác với game thủ, thợ đào tiền mã hóa sẵn sàng mua hàng chục, hàng trăm cho tới hàng nghìn GPU. Bởi vậy, nhu cầu về sản phẩm của Nvidia trở lên rất lớn, đẩy doanh số cũng như lợi nhuận tăng nhanh. Giá GPU của Nvidia cũng tăng chóng mặt, có thời điểm giá thực tế cao hơn 50% tới 100% so với giá giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất. 

Ông vua trò chơi điện tử

Vào năm 2018, giá tiền mã hóa lao dốc, kéo theo cổ phiếu Nvidia. Tuy nhiên, sự bùng nổ trong hai năm trước đã giúp cổ phiếu của công ty này nhảy vọt gần chục lần.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, Nvidia tiếp tục khẳng định sự thống trị của mình trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Năm 2018, Nvidia ra mắt dòng GPU RTX 20 series, với hai công nghệ Ray Tracing (dò tia) và DLSS (Deep Learning Super Sampling) cho ra chất lượng đồ họa và hiệu năng vượt trội so với sản phẩm của AMD.

Từ đó tới nay, dù sức mạnh phần cứng của AMD có thể chạm gần tới Nvidia, những gã khổng lồ xanh hoàn toàn thống trị về mặt công nghệ (phần mềm, tối ưu, hiệu năng và chất lượng hình ảnh).

Hiện Nvidia đang chiếm 71% thị phần GPU trên máy tính cá nhân, theo khảo sát của Steam. ATI là một công ty sản xuất GPU đã được AMD mua lại. "Khác" bao gồm các dòng GPU có thị phần nhỏ và không được Steam liệt kê, gồm cả của Nvidia, AMD, Intel, Apple, Qualcomm,...

Khi ra mắt các sản phẩm mới với công nghệ vượt trội, Nvidia đã mạnh tay nâng giá GPU. Dòng sản phẩm có giá bán lẻ khuyến nghị của nhà sản xuất là 600 USD vào năm 2016 đã được nâng lên 700 USD.

Phiên bản cao cấp hơn thậm chí còn tăng từ 700 USD lên 1000 USD. Kết quả là, tỷ suất lợi nhuận của Nvidia đã tăng gần gấp ba, từ 12,3% vào năm 2016 lên 31,4% vào năm 2018.

Khi đại dịch COVID kéo đến, Nvidia không tiếp tục tăng giá, mà thay vào đó đưa ra những sản phẩm cao cấp hơn với mức giá lên tới 2000 USD.

Bất chấp mức giá cao, người dùng vẫn sẵn sàng chi tiền. Theo thống kê của Steam, vào tháng 4/2023, số người sở hữu GPU RTX 3090 của Nvidia (có giá 1.500 USD) nhiều gấp 3 lần RX 6900 XTX (GPU của AMD với hiệu năng tương đương, có giá chỉ 1.000 USD).

Vào năm 2021, cơn sốt tiền mã hóa quay trở lại. Lần này, Nvidia đã giới hạn khả năng khai thác của dòng GPU dùng để chơi trò chơi và ra mắt GPU chuyên “đào” tiền với giá 4.700 USD.

Tuy nhiên, kiếm tiền từ game thủ hay thợ đào tiền mã hóa, với biên lợi nhuận gần 40% vẫn chưa là gì so với những gì mà AI sắp mang lại cho Nvidia.

 

Kẻ thống trị tuyệt đối ngành AI 

GPU không chỉ có khả năng giúp trò chơi điện tử mượt và đẹp hơn, chúng còn có thể giúp tăng tốc quá trình đào tạo AI. Cơn số AI gần đây bắt đầu sau khi ChatGPT ra mắt công chúng vào cuối năm ngoái.

ChatGPT được đào tạo bởi GPU H100 của Nvidia. Dòng GPU chuyên dụng này có giá từ 10.000 đến 20.000 USD, tùy vào thông số kỹ thuật. Và OpenAI cần tới 10.000 chiếc H100 để huấn luyện ChatGPT. Như vậy, chỉ từ một dự án AI, Nvidia đã có thể thu về cả trăm triệu USD. 

Với sự thành công của ChatGPT, giới công nghệ đang chạy đua để cho ra mắt các sản phẩm AI. Tesla đang sử dụng 5.760 GPU Nvidia A100 để đào tạo AI tự hành. Mỗi chiếc A100 có giá 10.000 USD. Meta đã sử dụng tới 22.000 GPU V100 của Nvidia từ những năm 2017. 

Và cứ khoảng 1 năm Nvidia lại ra mắt một kiến trúc GPU mới, với hiệu năng tăng khoảng 30 đến 50%. Bởi vậy, các công ty công nghệ lớn muốn phát triển AI có thể phải bỏ hàng chục, hàng trăm triệu USD mỗi năm cho Nvidia.

 

Kể từ đầu năm, vốn hóa của Microsoft đã tăng 31% nhờ sự thành công của ChatGPT, vốn hóa Meta tăng 94% sau tuyên bố từ bỏ vũ trụ ảo metaverse và tập trung phát triển AI. Google, Tencent hay Alibaba và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác,… đều cố gắng ra mắt sản phẩm AI của riêng mình.

Theo Economist, AI hiện nay đang sử dụng mô hình phần mềm tương tự nhau và khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận. Phần lớn các đoạn mã của AI, cùng các mẹo và thủ thuật, đang được cung cấp miễn phí trên mạng. Kết quả là những người nghiệp dư cũng có thể tạo ra mô hình AI cho riêng mình. 

Ngược lại, trong ngành công nghiệp AI, có thể nói Nvidia là kẻ độc quyền duy nhất nhờ vào rào cản gia nhập quá cao. Các công ty phần cứng như AMD, Intel, Qualcomm, TSMC và Amazon đều đang cố gắng đuổi theo, nhưng khoảng cách vài thế hệ về công nghệ rất khó thu hẹp. 

Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Giữa cơn sốt vàng, hãy bán xẻng”. Trong khi những gã khổng lồ như Google, Microsoft, Tesla, Apple hay Meta đang mải mê tìm vàng, Nvidia chính là người duy nhất bán xẻng.

Minh Quang