|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cục diện khó đoán của kinh tế thế giới nửa đầu năm 2018 (Phần 1)

07:05 | 14/07/2018
Chia sẻ
Sáu tháng đầu năm 2018 chứng kiến sự phân rẽ ngày càng rõ rệt giữa hai luồng tư tưởng ủng hộ và bài trừ khái niệm về tự do thương mại thế giới.
cuc dien kho doan cua kinh te the gioi nua dau nam 2018 phan 1
Thép được sản xuất tại nhà máy ở Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh các cuộc đàm phán nhằm xóa bỏ hàng rào thuế quan đang được đẩy mạnh ở một số nơi trên thế giới như châu Phi, Nam Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), căng thẳng thương mại đang bùng phát tại một số nền kinh tế lớn của thế giới, mà trong đó điển hình nhất là mối quan hệ tay ba giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Chỉ trong ba tháng đầu năm, Mỹ đã áp thuế mới đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu, trong đó có thép, nhôm, máy giặt và pin năng lượng Mặt trời. Đến tháng 5/2018, Washington tiếp tục thông báo quyết định đánh thuế 25% đối với hơn 1.000 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, có giá trị 50 tỷ USD.

Để đáp lại, Bắc Kinh cũng đã lên danh sách những mặt hàng Mỹ sẽ chịu thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này không những không làm Mỹ chùn bước mà còn khiến nước này dự định mở rộng danh sách áp thuế hơn nữa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đánh giá về những tác động vĩ mô của các biện pháp hạn chế thương mại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ảnh hưởng trực tiếp là không nhiều bởi 50 tỷ USD hàng hóa phải chịu mức thuế mới của Mỹ chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, đối với nước Mỹ, kể cả trong trường hợp Bắc Kinh làm điều tương tự đó là áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thì số hàng hóa này cũng chỉ tương đương khoảng 3% tổng xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 0,2% GDP.

Tuy nhiên, việc đánh giá tác động vĩ mô của các biện pháp thuế quan không chỉ dừng lại ở những ảnh hưởng trực tiếp trong các lĩnh vực liên quan mà còn cả những ảnh hưởng gián tiếp đối với nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế.

Ví dụ, việc áp thuế đối với thép một mặt có thể hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất thép, do các công ty trong nước giờ đã có cơ hội cạnh tranh tốt hơn với các nhà sản xuất có chi phí thấp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đối với những ngành công nghiệp tiêu thụ thép, thuế quan có thể làm tăng chi phí sản xuất và “bóp nghẹt” lợi nhuận của các công ty, thậm chí dẫn đến sa thải nhân công hoặc mức lương thấp hơn. Ngoài ra, giá thép cao có thể tác động đến nền kinh tế vĩ mô thông qua việc đẩy giá tiêu dùng lên cao, từ đó làm giảm nhu cầu của các hộ gia đình nói chung.

Bên cạnh đó, sự không chắc chắn và mất niềm tin kinh doanh khi phải đối mặt với bối cảnh chính sách thương mại thay đổi nhanh chóng có thể dẫn đến suy giảm đầu tư ngắn hạn, khi các công ty hoãn các quyết định đầu tư cho đến khi cảm thấy môi trường pháp lý ổn định hơn.

Trong trung hạn, hoạt động đầu tư và thương mại suy yếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh mối liên hệ sâu sắc giữa thương mại, đầu tư và tăng trưởng năng suất.

Vòng ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan còn phụ thuộc vào hiệu ứng lan truyền và phản ứng của phần còn lại thế giới. Các biện pháp hạn chế thương mại có thể làm gián đoạn mạng lưới sản xuất toàn cầu và trong khu vực, vốn đã phát triển trong nhiều thập kỷ nhờ vào các thỏa thuận thương mại khác nhau, gây ra những tác động bất lợi đối với nhiều quốc gia đang phát triển có quy mô nhỏ hơn.

Xem thêm

Phương Nga