|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cử tri kiến nghị về phương án tính giá điện sinh hoạt, yêu cầu EVN làm rõ nhiều vấn đề

17:24 | 26/05/2023
Chia sẻ
Theo Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị EVN và Bộ Công Thương làm rõ vấn đề về tăng giá điện khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên có phù hợp không, có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?

Phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại kỳ họp thứ 4, cử tri tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị về phương pháp tính giá điện sinh hoạt.

Cử tri kiến nghị, hiện nay phương pháp tính giá bán điện sinh hoạt cho người dân áp dụng theo 6 bậc, nếu áp dụng thống nhất một giá bán điện thì sẽ tốt hơn trong công tác quản lý và bảo đảm được quyền và lợi ích của người dân. Cử tri đề nghị Bộ Công Thương chủ trì xem xét lại việc tính giá điện sinh hoạt của người dân.

Xem xét lại phương pháp tính giá điện sinh hoạt

Kiến nghị trên đã được Bộ Công Thương trả lời rằng, về cơ cấu tính giá điện, Bộ Công Thương đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn đề án cải tiến biểu giá điện sinh hoạt, trong đó có đề xuất ba phương án rút gọn từ 6 bậc xuống thành ba bậc, 4 bậc và 5 bậc.

Cả ba phương án đều điều chỉnh hạn mức của bậc 1 từ 50 kWh trở xuống thành 100 kWh trở xuống. Lượng điện sử dụng các bậc sau được điều chỉnh giãn cách hơn để phù hợp với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân. Bộ Công Thương sẽ lấy ý kiến của các bộ ban ngành để sửa đổi vấn đề này. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Lan, đến nay biểu giá điện vẫn được áp dụng theo mức cũ và chưa có sự sửa đổi như phản hồi của Bộ Công Thương.

Đến kỳ họp lần này, cử tri tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện. Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân: Tập đoàn EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp.

Cử tri đề nghị: Cần được xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Cần báo cáo rõ EVN đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào?, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản điện sản xuất của EVN, vấn đề cung cầu điện có đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện hiện nay hay không?

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Từ kiến nghị của cử tri, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo rõ để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn giữ nguyên như phương án tính 6 bậc trong khi đã xác định được phương án này có những bất cập thì phải cải tiến.

Đặc biệt là vấn đề tăng giá điện khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên có phù hợp không, có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không? Đại biểu Lan cũng kiến nghị EVN và Bộ Công Thương làm rõ kết quả sắp xếp, tinh giản bộ máy của EVN và thực trạng thực hiện điện kế, điện tử còn một số ý kiến của người dân.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một số bộ, ngành liên quan có phương án sửa đổi Quyết định số 28 để thay đổi phương pháp tính giá điện sinh hoạt, vấn đề này cũng cần được EVN và Bộ Công Thương làm rõ tại kỳ họp này.

Cũng như vấn đề về các dự án năng lượng tái tạo chưa được hoà lưới điện, phương pháp sử dụng điện tái tạo trong khi đang nhập khẩu điện. Đại biểu Lan đề nghị những vấn đề lớn mà cử tri kiến nghị cần được đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội để có giải pháp phù hợp.

Cần làm rõ nguyên nhân khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN

Trước đó, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị EVN làm rõ nguyên nhân của khoản lỗ 26.000 tỷ đồng trong năm 2022. Ủy ban Kinh tế đánh giá chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Tại phiên thảo luận ở tổ, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH Điện Biên cũng nêu băn khoăn của nhiều cử tri về việc điều chỉnh tăng giá điện.

Đại biểu Tạ Thị Yên phản ánh, từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019). Tuy nhiên, đến nay tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, nhiều cử tri thắc mắc về việc, thời gian qua, EVN trong các báo cáo đều khẳng định về tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, trong báo cáo chưa thấy làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể.

“Cử tri cho rằng cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Điển hình như hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỷ đồng và 3.668 tỷ đồng ...”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.