Cử nhân bỏ việc về làng khởi nghiệp với đất
Nguyễn Đức Toàn đã quyết định bỏ việc truyền hình vì những đam mê với nghề gốm truyền thống.
Tới nay, Toàn đã tự mở cho mình một xương sản xuất gốm riêng với 15 nhân công chuyên sản xuất sản phẩm gốm tâm linh với dòng men ngọc thời Lý và men rạn ngà hoa nâu thời Lý – Trần qúy hiếm.
Sinh ra ở làng gốm Bát Tràng truyền thống, Toàn cho biết, hòn đất và ngọn lửa của nghề gốm đã gắn bó với mình từ khi còn rất nhỏ. “Cũng chẳng biết từ bao giờ, tình yêu với gồm sứ đã tồn tại trong mình, thôi thúc mình giữ gìn nghề gốm quý báu mà cha ông để lại”.
Là sinh viên Khoa Công nghệ điện ảnh truyền hình của Trường ĐH Sân khâu Điện ảnh Hà Nội, chàng trai mới 27 tuổi tốt nghiệp vào năm 2011. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Đài truyền hình VTC, Toàn quyết định quay về làng mở một xưởng gốm riêng.
Toàn kể, khi quay về Toàn mới bắt thực sự học nghề gốm. Người thầy của Toàn chính là nghệ nhân Trần Văn Độ, người nghệ nhân được mệnh danh là người giữ hồn gốm cổ của Bát Tràng.
Toàn cho biết, là một người trẻ mới theo học nghề gốm, chính nghệ nhân Trần Độ là người đã chỉ dạy cho mình rất nhiều về công nghệ sản xuất gốm sứ.
“Ông cũng là người chỉ dạy cho tôi những bài men quý báu mà ông mất hàng chục năm để nghiên cứu” – Toàn kể.
“Ngoài những kinh nghiệm về nghề, tôi còn học được ở ông đức tính cần cụ, chịu khó. Nhiều đêm ông thức trắng đêm để nghiên cứu, chế thử và tìm tòi những bài men từ lâu đã bị mai một”
Hai dòng men độc đáo là dòng men ngọc thời Lý và men rạn ngà hoa nâu thời Lý – Trần mà hiện Toàn đang theo đuổi để tạo nên các sản phẩm của mình chính là 2 trong số 73 bài men quý mà nghệ nhân Trần Văn Độ đã phục dựng.
Điều đặc biệt là, Toàn vừa là học trò yêu đồng thời cũng đồng thời là con rể của nghệ nhân Trần Văn Độ.
Toàn kể, vợ mình, Trần Thị Thu Hà cũng sinh năm 1989 vốn là bạn hồi cấp 3 với mình. Sau này khi bắt đầu quay về Bát Tràng học nghề gốm với nghệ nhân Trần Độ, Toàn gặp lại người bạn cùng lớp. Đôi bạn trẻ bắt đầu tìm hiểu nhau rồi tiến đến hôn nhân sau đó.
Toàn cho biết, Hà ban đầu cũng làm công chức nhưng sau một thời gian vì cũng là người con làng gốm Bát Tràng, vì cũng là cái duyên với nghề gốm nên hai vợ chồng quyết định trở về làng khởi nghiệp với một xưởng sản xuất gốm sứ riêng.
“Mong muốn của mình là gốm sứ Bát Tràng nói chung và dòng gốm của chúng tôi nói riêng được thị trường trong nước chấp nhận và tương lai sẽ vươn ra thị trường quốc tế” – Toàn nói.
Toàn đang thực hiện một sản phẩm gốm tại xưởng sản xuất của mình. Ảnh: NVCC.
Toàn cho biết, hiện tại với 15 công nhân, xưởng gốm của mình mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân trong nước. Công ty phục vụ theo hình thức đặt hàng là chính. Dù vậy, cho tới nay, Toàn cũng nhận được những đơn hàng trị giá lên cả tỷ đồng.
“Tương lai mình cũng sẽ mở rộng sản xuát các mặt hàng gốm sứ trưng bày như bình, lọ cao cấp để hướng ra thị trường thế giới”.
Là một người trẻ song Toàn được công nhận là một người thợ giỏi và vững tay nghề. Toàn nhận được danh hiệu thợ giỏi trong hội nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội. Mới đây, Toàn cũng là 1 trong 10 thợ trẻ, giỏi được Hội liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội vinh danh.
Toàn kể, tới nay, dù theo đuổi nghề gốm chưa lâu nhưng đã tạo được nhiều sản phẩm ưng ý. Trong số đó, sản phẩm Toàn ưng ý nhất chính là cặp lục bình Long Phụng có kích thước cao 1m30, đường kính 45cm được đắp nổi bằng tay hoàn toàn.
Thời gian để làm cặp lục bình này là 1 tháng. Tác phẩm đã đoạt giải nhì trong cuộc thi sản phẩm gốm đẹp được tổ chức tại Festival Huế năm 2016.
Tôi hỏi Toàn rằng, quyết định theo đuổi nghề gốm có lấy mất của em điều gì không? Toàn trả lời quả quyết rằng, những thanh niên mới khởi nghiệp như mình thì không vội đề cập đến chuyện được mất.
“Cái cốt lõi là phải cùng nhau giữ được cái nghề mà cha ông ta để lại”.
Trong khi đó, Toàn cho rằng, nghề gốm đem lại cho mình nhiều thứ hơn. “Nhờ có nghề gốm mà những người con Bát Tràng như chúng tôi có thể phát triển kinh tế, xã hội cũng như tri thức. Ngoài ra, nghề gốm cũng giúp tôi thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng niềm đam mê với hòn đất”.
“Có nhiều người cho rằng học đại học mới là con đường nhanh nhất để thành công nhưng theo mình thì suy nghĩ đó chỉ đúng một phận. Quan trọng là những người trẻ có quyết tâm để theo đuổi đam mê của mình hay không và có định hướng đúng về sở thích của mình hay không” – Toán nói.
“Bên cạnh đó, mình nghĩ rằng khi khởi nghiệp cần có những người bạn đồng hành, đồng nghiệp thực sự gắn bó với mình. Họ sẽ giúp cho mình rất nhiều trong công việc cũng như giải quyết được những khó khăn gặp phải”.
Lê Văn