|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cú đột phá 'liều ăn nhiều' từng giúp Boeing soán ngôi vương trên thị trường máy bay dân dụng ở Mỹ

07:31 | 30/06/2020
Chia sẻ
Hồi thập niên 50, Boeing chế tạo máy bay phản lực cỡ lớn cho thị trường hàng không dân dụng, dù các hãng sản xuất phi cơ khác đều nhận định thị trường không có nhu cầu với loại máy bay đó.

Năm 1952, các kỹ sư của Boeing có ý tưởng chế tạo một loại máy bay phản lực cỡ lớn cho thị trường hàng không dân dụng. Hồi ấy Boeing vẫn chưa có thị phần ở thị trường này, và những cố gắng trước đó đều thất bại. 

Trong thập niên 50, Boeing chủ yếu sản xuất máy bay quân sự (pháo đài bay B-17, siêu pháo đài B-29, oanh tạc cơ B-52) và đến 88% doanh số của công ty tới từ một khách hàng duy nhất là không quân.

Mọi báo cáo về bán hàng đều cho thấy các hãng hàng không ở Mỹ và châu Âu hầu như không quan tâm đến ý tưởng mua máy bay phản lực dân dụng của Boeing. Ngược lại, nhìn chung họ đều không có thiện cảm với Boeing, cho rằng đó là một hãng sản xuất máy bay ném bom. 

Các nhà sản xuất máy bay khác cũng không cho rằng thị trường có nhu cầu về loại máy bay phản lực dành cho hàng không dân dụng. Đối thủ cạnh tranh của Boeing là tập đoàn Douglas thậm chí còn tin trực thăng vẫn còn tiếp tục thống trị trong ngành hàng không dân dụng. 

Cú đột phá 'liều ăn nhiều' từng giúp Boeing soán ngôi vương trên thị trường máy bay dân dụng ở Mỹ - Ảnh 1.

Hồi thập niên 50, những nhà lãnh đạo Boeing đã liều lĩnh bất chấp các rủi ro và quan tâm theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng: Trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay dân dụng. Ảnh: INC

Ban lãnh đạo Boeing vẫn chưa quên trải nghiệm đau thương về việc phải sa thải hàng loạt nhân viên, khiến lực lượng lao động từ 51.000 người xuống còn 7.500 người sau Thế chiến thứ hai). 

Ước tính sơ bộ cho thấy tập đoàn sẽ phải tốn một khoản chi phí tương đương ba lần tổng số lợi nhuận sau thuế của 5 năm gần nhất - hoặc là một phần tư tổng giá trị tài sản của tập đoàn - để thiết kế một mẫu máy bay loại này.

Điều an ủi duy nhất là Boeing vẫn có thể chào bán loại máy bay phản lực này cho quân đội để họ sử dụng như là máy bay cung cấp nguyên liệu.

Những nhà lãnh đạo Boeing đã liều lĩnh bất chấp các rủi ro và quan tâm theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng: Trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay dân dụng. 

Với mục tiêu ấy, Boeing sản xuất loại máy bay phản lực mà họ ấp ủ và gọi nó là máy bay 707. Và họ thực sự đã đưa ngành hàng không bước vào kỉ nguyên của máy bay phản lực.

Ngược lại, hãng Douglas lại quyết định tiếp tục gắn bó với các sản phẩm máy bay vận hành bằng piston, đồng thời cẩn thận áp dụng quan điểm “chờ đợi và nghe ngóng” đối với các sản phẩm máy bay phản lực.

Douglas cứ chờ và để Boeing qua mặt, chiếm đại đa số thị phần máy bay dân dụng. Ngay cả vào cuối năm 1957, khi mà theo Business Week, các hãng hàng không “đổ xô đi mua máy bay phản lực để thay thế máy bay vận hành bằng piston”, hãng Douglas vẫn chưa sản xuất một máy bay phản lực nào. Mãi đến năm 1958, Douglas mới tung ra sản phẩm máy bay phản lực DC-8, song họ không bao giờ có thể đuổi kịp Boeing nữa.

Nhạc Phong