Cụ bà 86 tuổi cùng con trai lừa hơn 12 triệu USD từ nhà đầu tư tiền mã hóa
Theo Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), hai mẹ con ở Las Vegas đã lừa đảo hàng trăm người sau khi nói rằng tiền sẽ được đầu tư vào chứng khoán và tiền mã hóa dựa trên khuyến nghị của "siêu máy tính trí tuệ nhân tạo".
Hai mẹ con này đã huy động được hơn 12 triệu USD từ ít nhất 277 nhà đầu tư. SEC cho biết đã xin được lệnh cấm tiếp xúc tạm thời và phong tỏa tài sản để ngăn chặn trò lừa đảo được thực hiện bởi bà Joy Kovar, 86 tuổi và con trai Brent, 54 tuổi tại công ty Profit Connect Wealth Services có trụ sở ở Las Vegas.
Profit Connect tuyên bố rằng siêu máy tính của công ty liên tục tạo ra lợi nhuận cực khủng, cho phép họ đảm bảo trả cho nhà đầu tư lợi nhuận cố định từ 20 đến 30% mỗi năm với lãi kép hàng tháng, theo đơn kiện từ SEC. Tuy nhiên, hơn 90% tiền của Profit Connect đến từ nhà đầu tư.
"Profit Connect cố tình khuyến khích nhà đầu tư sử dụng tiền từ khoản tiết kiệm cho hưu trí và khoản vay thế chấp nhà ở, và nhắm vào những nhà đầu tư muốn kiếm tiền để cho con cái học hành", SEC viết.
Tiền mã hóa không phải xu hướng đầu tiên mà các thành viên nhà Kovar lợi dụng. Tháng 3/2019, SEC đã đệ đơn lên tòa án dân sự chống lại công ty Sky Way Global. Các lãnh đạo của công ty bao gồm Brent Kovar và người cha Glenn Kovar, 75 tuổi vào thời điểm đó. SEC cáo buộc Sky Way đã lừa dối nhà đầu tư thông qua một đợt chào bán cổ phiếu rởm.
Năm 2010, SEC cũng phát hiện Brent Kovar tham gia trò lừa đảo bơm thổi giá khác liên quan đến cổ phiếu penny.
Tiền mã hóa ngày càng được đại chúng hóa – một phần không nhỏ nhờ những người nổi tiếng như Elon Musk – và việc mua bán chúng đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Một số tội phạm đang vận hành các hoạt động quy mô nhỏ nhắm vào nhà đầu tư cá nhân.
Lừa đảo gia tăng
Số lượng nạn nhân của các vụ lừa đảo tiền mã hóa ngày càng tăng. Từ ba tháng cuối năm 2020 đến ba tháng đầu năm 2021, số vụ lừa đảo riêng lẻ đã tăng gần 18% lên 1.335 vụ, theo công ty nghiên cứu Chainalysis.
Những trò gian trá quy mô lớn cũng vẫn tồn tại, dù bản chất không ngừng thay đổi. Các nhà quản lý tài chính ở Nam Phi đang vật lộn với một vụ việc đáng ngờ có khả năng là mô hình Ponzi và trò lừa đảo tiền mã hóa lớn nhất mọi thời đại.
Hồi tháng 4, hai anh em người Nam Phi đã biến mất cùng với 3,6 tỷ USD bitcoin từ nền tảng đầu tư tiền mã hóa của họ.
Nhưng Cơ quan Quản lý Ngành Tài chính của Nam Phi chỉ có thể xem xét khiếu nại về vụ việc mà không thể điều tra chính thức. Nguyên do là tiền mã hóa không phải sản phẩm tài chính hợp pháp ở nước này, Bloomberg cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết có khả năng sẽ có thêm nhiều trò gian trá bị phanh phui nếu giá tiền mã hóa tiếp tục ở mức thấp. Niềm lạc quan có thể làm mờ mắt nhà đầu tư trong thời giá cao. Chính vùng trũng mới khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi nghiêm túc hơn.