|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CPI tháng 1 tăng 4,89%, lạm phát liệu đã đạt đỉnh?

15:17 | 31/01/2023
Chia sẻ
Phần lớn các chuyên gia dự báo lạm phát so với cùng kỳ năm trước đạt đỉnh vào tháng 1/2023 hoặc thận trọng hơn là vào quý I/2023 sau đó dịu dần.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 4,89%; lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 5,21%.

Theo TCTK, nguyên nhân khiến lạm phát tháng 1/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do đây là tháng có Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết. Đồng thời, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/1/2023.

Theo đó, trong mức tăng 0,52% của CPI tháng 1/2023 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm và một nhóm hàng giữ giá ổn định.

8 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,39%, đóng góp 0,13 điểm % vào mức tăng chung của CPI; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36% và Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.

Mức tăng CPI tháng Tết mang tính thời vụ

 

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù CPI tháng 1 có vẻ cao so với cùng kỳ năm trước song cần lưu ý đến đặc điểm năm nay Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 chứ không phải tháng 2 như các năm. Vì vậy, mức tăng này chủ yếu mang tính thời vụ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước, thoạt nhìn có vẻ cao, nhưng thực chất là thấp so với các năm trước. Mức tăng này chủ yếu mang tính mùa vụ chứ không phản ánh sự mạnh mẽ của sức cầu. Tết năm nay rơi vào tháng 1, trong khi Tết các năm khác chủ yếu rơi vào tháng 2.
 
"Nếu muốn so sánh thì cần xem CPI tháng Tết của các năm trước tăng so với tháng trước thế nào. Ví dụ, tháng Tết năm 2020 (tháng 1) CPI tăng 1,23%, tháng Tết năm 2021 (tháng 2) CPI tăng 1,52%, tháng Tết năm 2022 (tháng 2) tăng 1%. Các mức tăng này là lớn hơn nhiều so với năm nay", PGS. TS. Phạm Thế Anh nói.
 
Vị chuyên gia này đánh giá, với điều kiện lãi suất, thu nhập, và giá trị vốn hóa của các thị trường tài sản như hiện nay, lạm phát không phải là vấn đề của năm 2023, ngoại trừ một chút rủi ro đến từ việc tăng giá nhiên liệu. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng sẽ nhanh chóng suy giảm.
 

Lạm phát đạt đỉnh vào tháng 1/2023?

Tại một cuộc hội thảo đầu tháng 1/2023, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng nhận định, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Chuyên gia dự báo lạm phát so với cùng kỳ năm trước có khả năng đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó sẽ quay trở lại mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2022, khoảng 3%.
 
Lạm phát trung bình năm 2023 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3,5%, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định và phân tích, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.
 
Phân tích về những nguyên nhân khiến áp lực lạm phát năm 2023 không quá lớn, theo TS. Độ là do Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022 và hai là do áp lực về tỷ giá đã giảm đáng kể.
 

Thứ ba, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển. Điều này tác động đến lạm phát tại Việt Nam theo hai kênh: Một mặt, tổng cầu đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại; mặt khác, nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ gây áp lực giảm giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, bao gồm cả giá dầu.

Như vậy, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Hạ An).

Thận trọng hơn với dự báo lạm phát, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, lạm phát sẽ tăng hết quý I/2023 và sau đó dịu dần từ quý II/2023 với bình quân là 4-4,2%.

Năm 2023, chúng ta cũng thuộc lộ trình bắt buộc phải tăng một số giá hàng hoá cơ bản như: Lương cơ bản và cũng đang cân nhắc để tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục là những dịch vụ thiết yếu cũng buộc phải tăng", TS. Lực chỉ ra.

Vừa rồi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất Chính phủ tăng giá điện và việc lương cơ bản tăng hơn 20% vào tháng 7/2023 sẽ là những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát năm tới.

Thêm nữa, độ trễ của lượng cung tiền trong những tháng cuối năm nay và trong năm tới vẫn khá chậm. Trong những tháng tới, vòng quay tiền có thể sẽ ở mức độ nhanh hơn và như vậy áp lực lạm phát sẽ cao hơn, dự báo ở mức 4-4,2%, TS. Lực dự báo. 

Hạ An