Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Năm 2023, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia
Đối với Việt Nam giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% trong năm 2023 là những mục tiêu quan trọng được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chú trọng ưu tiên hàng đầu.
Để hiểu rõ hơn về những áp lực đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Năm 2022 các nền kinh tế quay cuồng với lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ, ông nhận định thế nào về lạm phát thế giới năm 2023?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Dự báo lạm phát năm 2023 sẽ giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn đáng kể so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương, vẫn là rủi ro lớn nhất với nhiều nền kinh tế. Lạm phát của Mỹ sau khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 đã giảm liên tiếp trong 6 tháng, xuống 6,5% vào tháng 12; dự báo lạm phát năm 2023, khoảng 6% đối với các nền kinh tế phát triển và 12% ở các nền kinh tế mới nổi của khu vực châu Âu.
Các quốc gia tiếp tục tăng lãi suất, thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá thắt chặt. Thị trường tài chính tiền tệ thế giới tiềm ẩn rủi ro và bất ổn.
Cùng với đó, xung đột tại Ukraine chưa có hồi kết sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng; nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, lương thực; các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây áp lực lên vấn đề năng lượng.
Thêm vào đó, giá năng lượng, lương thực tiềm ẩn biến động phức tạp, khó lường, mặc dù giá của hai nhóm mặt hàng này đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn ở mức cao.
Dự báo giá dầu năm 2023 sẽ ở mức khoảng 98 USD/thùng, cao hơn 40% so với năm 2021; chỉ số giá lương thực cao hơn khoảng 8%. Nhiều đánh giá cho rằng giá năng lượng, lương thực sẽ tiếp tục biến động mạnh, nhất là trước diễn biến phức tạp, kéo dài của khủng hoảng Nga-Ukraine
Trong bối cảnh đó, năm 2023, Chính phủ các nước đặt ưu tiên hàng đầu là kiềm chế và kiểm soát lạm phát, sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng thấp để kiểm soát lạm phát.
Phóng viên: Để ứng phó với đồng USD tăng giá, bên cạnh việc nâng lãi suất, các nước thực hiện các giải pháp nào nhằm chặn đà giảm giá của đồng nội tệ, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Đối với chính sách tiền tệ, các nước tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát và ngăn ngừa lạm phát kỳ vọng; hiện đã có khoảng 90 quốc gia nâng lãi suất, với số lần nâng lãi suất cao nhất kể từ năm 1970. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dự kiến Fed sẽ đưa lãi suất cơ bản lên mức 4,5% vào đầu năm 2023, bất chấp rủi ro suy giảm tăng trưởng.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva cho rằng, lạm phát cao đang làm suy yếu tăng trưởng và tác động nặng nề tới những nhóm người nghèo trong nền kinh tế. Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương cần phải can thiệp chính sách nhằm kìm hãm lạm phát.
Thời gian qua, các ngân hàng Trung ương tăng lãi suất để đạt tới một mức lãi suất phù hợp kiềm chế lạm phát, nhưng ở hầu hết các quốc gia vẫn chưa đạt tới mức cần thiết này. Giám đốc IMF khuyên các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát cho đến khi lãi suất về mức "trung tính".
Để ứng phó với đồng USD tăng giá, bên cạnh việc nâng lãi suất, các nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh nhằm chặn đà giảm giá của đồng nội tệ, đồng nghĩa với ngăn chặn tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ và USD tăng cao.
Trong năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lần đầu tiên sau gần 25 năm bán USD và mua vào đồng Yên nhằm chặn đà lao dốc của đồng nội tệ. Hàn Quốc liên tục bán ngoại tệ với tổng trị giá khoảng 8,3 tỷ USD để hỗ trợ đồng Won, mong muốn duy trì thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ để ổn định thị trường. Quá trình “phi Đôla hóa” toàn cầu tiếp tục được thúc đẩy.
Đối với chính sách tài khóa, các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cho những đối tượng thu nhập thấp, dễ bị tổn thương được tập trung thực hiện. Trong năm 2022, Chính phủ Đức công bố gói 63 tỷ euro để trợ giá điện và phương tiện công cộng; Chính phủ Anh ban hành gói trợ cấp trị giá 150 tỷ bảng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp. Chính sách tài khoá này dự báo tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Phóng viên: Năm 2022, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát lạm phát, ông đánh giá thế nào về mục tiêu lạm phát 4,5% của năm 2023 khi kinh tế Việt Nam có độ trễ so với thế giới?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Lạm phát năm 2023 có nhiều nét đáng quan tâm vì giá hàng hóa và dịch vụ năm 2023 chịu áp lực từ nhiều yếu tố: áp lực lạm phát cầu kéo do thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội làm cho tổng cầu tăng đột biến; áp lực lạm phát chi phí đẩy trong bối cảnh USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu.
Đặc biệt, xăng dầu, điện là hai mặt hàng năng lượng chiến lược, quan trọng trong tiêu dùng và sản xuất, nhu cầu sử dụng hai mặt hàng này sẽ tăng trong năm 2023 khi tổng cầu tăng.
Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo giá xăng dầu có nhiều khả năng tăng trong thời gian tới. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác quyết định cắt giảm sản lượng và Liên bang Nga thông báo có thể cắt giảm từ 5-7% sản lượng dầu mỏ vào đầu năm 2023 sẽ tác động đến giá dầu trên thị trường thế giới.
Năm 2023, Trung Quốc dần loại bỏ chính sách Zero COVID, mở cửa trở lại nền kinh tế. Khi nền kinh tế khởi sắc, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu thô, nguyên vật liệu sản xuất, đẩy giá nguyên liệu thô thế giới tăng lên, gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hoá tiêu dùng và các loại dịch vụ khác, khi đó lạm phát toàn cầu sẽ bật tăng. Bloomberg ước tính khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào giữa năm 2023, khi đó giá năng lượng sẽ tăng 20%.
Giá điện trong nước đã bị kìm giữ không tăng trong mấy năm qua, trong khi giá than, giá khí dùng trong sản xuất điện tăng cao, cơ cấu nhiệt điện, điện khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện phát ra. Vì vậy, dự báo trong năm 2023 Chính phủ có thể tăng giá điện, tạo nguồn lực cung cấp đủ điện cho nhu cầu của nền kinh tế.
Nếu tăng giá điện trong năm 2023 sẽ tạo áp lực lên lạm phát do tăng chi phí sản xuất và chi tiêu dùng cuối cùng, đồng thời làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.
Ngày 11/11/2022 Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 lương cơ sở tăng từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng tương ứng mức lương cơ sở mới sẽ tăng thêm 20,8% sẽ tác động làm lạm phát tăng 0,67%.
Áp lực lạm phát năm 2023 còn đến từ khả năng điều chỉnh theo lộ trình tăng giá dịch vụ do nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, y tế.
Bên cạnh đó, một số chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ kết thúc trong năm 2022; thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương bị ảnh hưởng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Với áp lực lên lạm phát từ các yếu tố đề cập ở trên, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% năm 2023 là không dễ.
Phóng viên: Thưa ông, để kiểm soát lạm phát mục tiêu 4,5% năm 2023, Chính phủ và doanh nghiệp cần thực hiện những giải pháp nào?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Như vừa đề cập ở trên, áp lực lạm phát năm 2023 đến từ nhiều yếu tố, tác động rất mạnh tới tăng giá tiêu dùng. Để kiểm soát lạm phát mục tiêu khoảng 4,5% năm 2023, theo tôi, trước mắt, Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng tổng cầu tăng, giảm áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, phù hợp giữ ổn định vĩ mô; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt để hạn chế tối đa nhập khẩu lạm phát đồng thời giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.
Dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt trong ngắn hạn để có giải pháp nhập khẩu kịp thời, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các loại nguyên vật liệu thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung. Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có kế hoạch, giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, Bộ Công Thương nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước.
Điện là mặt hàng năng lượng quan trọng, không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Bộ Công Thương cần dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp để cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào đối với từng quý trong năm 2023.
Cùng với đó, đánh giá tác động của việc tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá điện, giá các loại dịch vụ do nhà nước quản lý, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế…
Cộng đồng doanh nghiệp chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá, tăng lãi suất để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh. Nắm bắt và đánh giá cách các “đối thủ cạnh tranh” phản ứng với tình huống, đồng thời giám sát tình hình sức khỏe và chất lượng hoạt động của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất.
Năm 2023, áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam rất lớn, đến từ nhiều yếu tố. Để giữ ổn định vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu quả trong thực thi chức trách. Đặc biệt, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo việc triển khai thực hiện, đưa các chính sách, giải pháp vào cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/