CP Foods, Thai Food chi tiền bảo vệ biên giới, ngăn chặn dịch tả heo châu Phi tại Thái Lan
Ảnh: Reuters
Charoen Pokphand Foods (CP Foods), tập đoàn nông - công nghiệp lớn nhất Thái Lan, đã bắt tay cùng hai đối thủ Betagro và Thai Food để gây quĩ tài trợ cho 50 trạm kiểm soát do chính phủ quản lí dọc biên giới.
Ba công ty này cùng nhau chiếm tới 80% sản lượng thịt heo của Thái Lan và tình trạng thiếu ngân sách nhà nước là một phần nguyên nhân thúc đẩy sáng kiến hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân khác thường nói trên.
Quan chức từ Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội vụ và Quân đội Hoàng gia Thái Lan sẽ kiểm soát 50 trạm kiểm soát.
Trả lời Nikkei Asian Review, ông Surachai Sutthitham, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Heo Thái Lan, cho biết các trạm kiểm soát sẽ được trang bị thuốc xịt khử trùng để phun lên toàn bộ xe tải chở gia súc, gia cầm và thức ăn chăn nuôi trước khi vào Thái Lan.
CP Foods và hai đối thủ từ chối cung cấp thông tin chi tiết về khoản tiền họ đã đầu tư vào sáng kiến, theo đó ba công ty tuyên bố đây là vấn đề nhạy cảm, phải do đích thân chính phủ công bố. Bộ Nông nghiệp Thái Lan chưa đưa ra bất kì tuyên bố chính thức nào.
"Đây là một phản ứng tích cực từ các doanh nghiệp tư nhân khi nhận ra họ cần phải làm điều gì đó thật nhanh chóng và cẩn trọng để bảo vệ công ty cũng như danh tiếng của Thái Lan, nhà xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới", ông Sorawit Thanito, Giám đốc Cục Phát triển Vật nuôi, cho hay.
Từ số heo chết trôi dạt trên sông đến nỗi lo cho toàn ngành thực phẩm Thái Lan
Thái Lan đã rơi vào trạng thái bất ổn kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát ở các nước láng giềng, kể cả Trung Quốc, từ một năm trước.
Lo ngại gia tăng vào tháng 9, khi một số con heo chết được phát hiện đang trôi dạt dọc theo sông Ruak ở biên giới Thái Lan và Myanmar. Theo Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới, số heo này đã nhiễm virus tả heo châu Phi vào tháng 8.
Hơn 300 con heo đã bị tiêu hủy ngay lập tức tại ba huyện thuộc tỉnh Chiangrai, vốn nằm dọc theo sông Ruak. Sông Ruak giao nhau với sông Mekong tại biên giới ba nước Myanmar, Lào và Thái Lan.
Heo và tất cả sản phẩm thịt heo từ các nước láng giềng Lào, Campuchia, Việt Nam và Myanmar đã bị chính phủ Thái Lan cấm hoàn toàn kể từ tháng 8/2018, thời điểm dịch tả heo châu Phi được phát hiện đã lan sang một số nước châu Á.
Chính phủ Thái Lan sẽ gặp họp mặt cùng các nước khác vào đầu tháng 10 để thảo luận hướng kiểm soát dịch bệnh và ngăn dịch lây lan sang Thái Lan.
Mặc dù 80% số heo tại Thái Lan được nuôi trong các trang trại do CP Foods, Betagro và Thai Food kiểm soát nghiêm ngặt, vẫn có gần 200.000 nông dân nhỏ lẻ cần Bộ Nông nghiệp giám sát chặt chẽ để đảm bảo tất cả số heo được nuôi và giết mổ hợp vệ sinh, ông Sorawit nói.
Là một phần của sáng kiến mới, tất cả số heo trong phạm vi 5 km tính từ địa điểm phát hiện dịch phải bị tiêu hủy và nông dân sẽ nhận bồi thường 70% giá trị của vật nuôi. Khoản bồi thường sẽ đến từ quĩ tài trợ do ba công ty huy động, ông Surachai cho biết.
"Đó là lí do tại sao các công ty lớn cần chi tiền vào một số dự án nâng cao nhận thức cộng đồng. Nếu chỉ có một trang trại nhỏ bị nhiễm bệnh, nó có thể phá hủy toàn bộ chuỗi cung ứng thịt heo trị giá 3,3 tỉ USD của Thái Lan.
Sự lây nhiễm có thể dẫn đến hiệu ứng domino trong ngành công nghiệp thực phẩm Thái Lan", một nông dân nhỏ lẻ ở tỉnh Nakonpanom, gần biên giới Lào, cho hay.
Ngoài ra, ông còn cho biết bản thân có kí hợp đồng với một nhà chế biến thực phẩm lớn.
Thái Lan là nhà cung ứng thịt heo lớn nhất cho khu vực sông Mekong. Cụ thể, họ đã xuất khẩu 1,3 tỉ baht (tương đương 42 triệu USD) thịt heo sang Campuchia trong 8 tháng đầu năm nay, tăng từ 9 triệu baht trong cả năm 2018.
Trung Quốc cũng đang có nhu cầu thu mua thịt heo Thái Lan, khi hơn 50% đàn heo của đất nước tỉ dân đã chết hoặc bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi.
Xuất khẩu thịt heo Thái Lan sang Hong Kong cũng tăng hơn 60% lên 985 tấn trong nửa đầu năm nay so với cùng kì năm ngoái. Hiệp hội Chăn nuôi Heo Thái Lan dự báo xuất khẩu thịt heo sang Hong Kong có thể đạt 2.500 tấn trong năm nay, tăng từ 1.408 tấn năm 2018.
Theo Nikkei Asian Review, Thái Lan sản xuất khoảng 1.5 - 1,7 triệu tấn thịt heo hàng năm từ 20 - 23 triệu con heo.