COO Indochina Capital: Đang có sự chuyển hướng dòng vốn ngoại
Ông đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư vào Việt Nam (bao gồm cả đầu tư trực tiếp - FDI và gián tiếp - FII)?
Việt Nam luôn là một điểm nóng hấp dẫn những nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam xếp thứ ba về độ hấp dẫn vốn FDI ở khu vực Đông Nam Á (sau Singapore và Malaysia). Nhìn vào xu hướng gần đây của dòng vốn FDI, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tiến triển rất tốt.
Cụ thể, kể từ năm 2009 tới nay, 2017 là năm kỷ lục khi vốn FDI đăng ký đạt 35,9 tỷ USD và vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD. Mặc dù phần lớn vốn FDI được rót vào các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp (chiếm 42,2% tổng FDI), bất động sản xếp thứ ba với 8,5% tổng vốn FDI tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều hội thảo về đầu tư trong khu vực đã dành riêng không gian để thảo luận về chủ đề đầu tư ở Việt Nam, thu hút đông đảo thành phần tới tham dự. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã và đang nhận được một sự quan tâm rất lớn.
Chưa kể, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, đáng chú ý nhất là những nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, quan tâm đến việc đặt chân vào thị trường Việt Nam.
Gần đây, thị trường chứng kiến nhiều giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức như góp vốn, mua cổ phần… Ông nhận định về xu hướng này ra sao?
Xu hướng này chứng tỏ thị trường đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp và minh bạch - một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực và đáng khích lệ. Là một chủ đầu tư nước ngoài, Indochina Capital luôn thực hiện các khoản đầu tư thông qua hình thức góp vốn và mua lại cổ phần nhằm đạt được sự minh bạch và thuận tiện trong quá trình thực hiện.
Ông Michael Piro |
Tuy nhiên, không có nhiều người bán có khả năng thích ứng với hình thức mua bán sáp nhập kiểu này, vì nó đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn về mặt pháp lý, vốn thường thiếu ở những nhà cung cấp trong nước.
Nếu thiết lập ngay từ đầu một cấu trúc pháp lý rõ ràng thì giao dịch sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn về mặt chi phí. Nhưng hiện tại, hầu hết những nhà cung cấp trong nước chỉ nghĩ đến trở ngại này trong quá trình chào bán, khi chi phí để thiết lập khung pháp lý là cả một vấn đề, do đó cản trở các nhà cung cấp địa phương cân nhắc áp dụng một cấu trúc như vậy.
Theo ông, nên nhìn nhận dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam dưới hình thức M&A ra sao để có thể quản lý một cách ổn thỏa và khích lệ hình thức đầu tư nước ngoài này?
Đầu tư nước ngoài không chỉ là một dòng vốn, nó còn là đầu tư về nhân lực, về thị trường khi các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm cho đối tác tại địa phương. Nhiều nhà đầu tư tài chính cũng là những nhà đầu tư chiến lược - họ là chuyên gia trong ngành của họ, do đó có thể bổ sung thêm nhiều giá trị cho hoạt động kinh doanh.
Kể cả khi nhà đầu tư chỉ đơn thuần về mặt tài chính, họ cũng có thể giúp tái cơ cấu doanh nghiệp, mài giũa hệ thống quản lý tài chính, vận hành và nâng cao lợi nhuận ròng của doanh nghiệp. Đây chỉ là một trong nhiều lợi ích có được khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài.
Để có thể quản lý tốt và thu hút đầu tư nước ngoài, chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam nên thành lập một cơ quan có thể hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời quảng bá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đầu tư.
Hoạt động của cơ quan này sẽ tương tự như Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam có Cục Đầu tư Nước ngoài (FIA), nhưng cần mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế.
Có một số ý kiến cho rằng, nên kiểm soát dòng vốn nước ngoài để chọn lựa và tập trung vào những khoản đầu tư có chất lượng tại Việt Nam. Làm sao chúng ta có thể tạo ra một bộ lọc cho những thỏa thuận M&A để có thể chọn ra nhà đầu tư chất lượng mà không làm ảnh hưởng đến dòng vốn FDI?
Theo tôi, chúng ta nên tuân theo quy luật chung là để cung cầu và thị trường tự do quyết định, trừ khi khoản đầu tư đó liên quan đến an ninh quốc gia và phúc lợi xã hội.
Thị trường là một công cụ không thiên vị và hiệu quả. Thị trường khi được vận hành hoàn hảo sẽ tự nó chọn ra những nhà đầu tư hiệu quả nhất, qua đó đảm bảo cho sự thành công của những sản phẩm có chất lượng cao nhất. Giống như sự chọn lọc tự nhiên vậy.
Tuy nhiên, vẫn cần có sự giám sát và can thiệp của chính phủ khi có vấn đề nảy sinh, hoặc thậm chí trước cả khi có vướng mắc. Chẳng hạn, ở Singapore, chính phủ sẽ dừng cấp phép sử dụng đất mới khi có dấu hiệu nguồn cung đang vượt cầu. Động thái này có thể giúp tái cân bằng thị trường bất động sản ở thời điểm thị trường hoạt động chưa tốt.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội gọi vốn đầu tư hấp dẫn. Doanh nghiệp và chính quyền nên chú ý đến điều gì để có thể nắm được cơ hội này?
Nói về chính quyền, sự hỗ trợ của chính phủ đặc biệt rất quan trọng. Hỗ trợ ở đây có thể dưới hình thức xây dựng khung pháp lý rõ ràng, hướng dẫn quy trình phù hợp và chính sách khuyến khích hấp dẫn.
Hàng năm, VCCI công bố bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm đánh giá và xếp hạng hiệu quả hoạt động, chất lượng điều hành kinh tế và sự quyết tâm của chính quyền cấp tỉnh trong việc phát triển môi trường pháp lý thuận lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân. Qua bộ chỉ số này, nhà đầu tư có thể xác định tỉnh thành nào có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể phát triển tốt nhất.
Nói về doanh nghiệp, điều quan trọng là hiểu được những mong đợi của nhà đầu tư nước ngoài và theo đó đáp ứng các yêu cầu của họ. Để có thể tạo ra những thay đổi cần thiết, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có tư duy cởi mở và sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, bởi những thay đổi này chỉ có thể thực hiện một cách hiệu quả khi được thống nhất triển khai từ trên xuống.
Đối với những doanh nghiệp lần đầu gọi vốn nước ngoài, nên thuê một đội ngũ tư vấn kinh nghiệm. Các chuyên gia tư vấn sẽ giúp hai bên hiểu ý nhau và tránh những hiểu lầm không đáng có.
Thêm vào đó, họ sẽ hướng dẫn hai bên thực hiện các bước theo quy trình phù hợp để giao dịch được thuận lợi và nhanh chóng. Có thể nói sự tham gia của đội ngũ tư vấn rất có giá trị đối với các doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên thực hiện gọi vốn.
Ông có thể chia sẻ vài kinh nghiệm trong quá trình hoạt động kinh doanh ở Việt Nam?
ICC khởi đầu là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam, sau 20 năm kinh nghiệm chúng tôi đã học cách đón nhận những xáo trộn lớn khi thị trường tiếp tục lớn mạnh và trưởng thành.
Khi xảy ra xáo trộn, chúng tôi nhận ra rằng "cao điểm" không hề tốt như nó có vẻ vậy và "thấp điểm" thực chất cũng không đến nỗi quá tệ. Điều quan trọng là luôn luôn tập trung vào tầm nhìn dài hạn và trung thành với định hướng chiến lược của mình.