|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty trực tiếp sở hữu mỏ Núi Pháo lỗ 322 tỉ đồng nửa đầu năm

08:03 | 05/09/2020
Chia sẻ
Hiện Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đang trực tiếp khai thác mỏ đa kim Núi Pháo tại Thái Nguyên và là mỏ có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới đang hoạt động bên ngoài Trung Quốc.

Theo nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (gọi tắt là Công ty Núi Pháo),  công ty con do CTCP Masan High-Tech Materials (Masan Resources - Mã: MSR) nắm 100% vốn đã phải công bố các thông tin về tình hình tài chính từ năm 2019.

Công ty Núi Pháo vừa công bố chỉ tiêu tài chính cơ bản 6 tháng đầu năm 2020 với khoản lỗ 322 tỉ đồng trong khi cùng kì lãi gần 69 tỉ đồng.

Công ty sở hữu mỏ Núi Pháo lỗ 322 tỉ đồng nửa đầu năm, nợ gấp 3 lần VCSH - Ảnh 1.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính và số liệu tài chính doanh nghiệp công bố.

Theo số liệu doanh nghiệp công bố thì lãi sau thuế năm 2019 đã giảm mạnh gần một nửa so với năm 2018 và tiếp tục lỗ nặng nửa đầu năm.

Trước đó, về tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2020, Masan Resources cũng cho biết COVID-19 ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh trong ngắn hạn. Cụ thể, doanh thu vonfram bị ảnh hưởng bởi giá thị trường thấp hơn và gia tăng tồn kho do ảnh hưởng của COVID-19. Nửa đầu năm, Masan Resources lỗ gần 393 tỉ đồng.

Dự kiến, trong nửa cuối năm 2020, sản lượng đồng bán ra với mức giá hiện tại sẽ tạo ra lợi nhuận cho Masan Resouces.

Tại thời điểm cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 7.964 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,09 lần, theo đó tổng nợ phải trả của công ty khoảng 24.609 tỉ đồng, tăng 41% so với thời điểm cuối năm 2019.

Công ty sở hữu mỏ Núi Pháo lỗ 322 tỉ đồng nửa đầu năm, nợ gấp 3 lần VCSH - Ảnh 2.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính và số liệu tài chính doanh nghiệp công bố.

Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty có vốn điều lệ 8.048 tỉ đồng. Qui mô tài sản tại thời điểm này là 25.994 tỉ đồng.

Hiện, Công ty Núi Pháo là công con do Masan Resources nắm 100% vốn thông qua Công ty TNHH MTV Tài nguyên Masan Thái Nguyên (MRTN) và Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Thái Nguyên (TNTI).

Tháng 7/2010, Công ty Núi Pháo được thành lập bởi CTCP Xuất Nhập Khẩu và Đầu tư Thái Nguyên (nắm giữ 15% vốn điều lệ) và MRTN (nắm giữ 85% vốn điều lệ), với vốn ban đầu là 837,9 tỉ đồng.

Tháng 11/2010, CTCP Tập đoàn Masan hoàn thành việc mua lại quyền kiểm soát Công ty Núi Pháo, thông qua việc MRTN mua lại toàn bộ phần vốn góp của CTCP Xuất Nhập Khẩu và Đầu Tư Thái Nguyên tại TNTI, và sau đó TNTI mua lại 15% vốn điều lệ mà CTCP Xuất Nhập Khẩu và Đầu Tư Thái Nguyên nắm giữ tại Công ty Núi Pháo.

Công ty sở hữu mỏ Núi Pháo lỗ 322 tỉ đồng nửa đầu năm, nợ gấp 3 lần VCSH - Ảnh 3.

Cơ cấu sở hữu của Masan Resources. Nguồn: Bản cáo bạch năm 2019

Công ty Núi Pháo đang trực tiếp khai thác mỏ đa kim Núi Pháo. Năm 2014, dự án Núi Pháo bắt đầu sản xuất thương mại từ ngày 1/3 đối với vonfram và đồng, từ ngày 1/ 6 đối với florit và từ ngày 1/9 đối với bismut.

Mỏ Núi Pháo là một mỏ khoáng sản lộ thiên thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên, có các vỉa khoáng sản đa kim bao gồm thành phần vonfram, fluorit, bismut và đồng.

Mỏ Núi Pháo là mỏ đa kim có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới đang hoạt động bên ngoài Trung Quốc với trữ lượng quặng tiềm năng đã được chứng minh là 66 triệu tấn và nhóm công ty Masan Resources cũng là nhà sản xuất florit và bismut hàng đầu thế giới.

Hiện nay, nhóm công ty Masan Resources đang xuất khẩu vonfram sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Ấn Độ…

Thời gian hoạt động cho phép của Công ty Núi Pháo với Dự Án Núi Pháo là 30 năm.

Hoàng Kiều