|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty nước sạch sông Đà được ưu đãi 'khủng' thế nào?

21:41 | 01/11/2019
Chia sẻ
Dù được nhiều ưu đãi khủng, nhưng việc giám sát nguồn nước của Công ty CP nước sạch sông Đà vẫn khiến người dân nơm nớp lo ngại vì tiểm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm.
o nhiem nuoc

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm ở hồ Đầm Bài.

Không chỉ đươc miễn nộp thuế đất từ 7 đến 15 năm, Công ty CP nước sạch Vinaconex nay là Công ty CP nước sạch sông Đà còn được miễn thuế 100% nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cho Nhà máy nước sạch sông Đà.

Dù được ưu đãi khủng nhưng việc giám sát nguồn nước của cty này khiến người dân nơm nớp lo ngại vì tiểm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm.

Ưu đãi khủng 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Công ty CP nước sạch Vinaconex được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 588 ngày 15/9/2004. Theo Giấy chứng nhận số 588, hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn (Hà Nội) được khởi công tháng 4/2004, dự kiến hoàn thành tháng 2/201, tổng mức đầu tư là 2.545.182 triệu đồng.

Địa điểm thực hiện dự án gồm các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn (Hoà Bình) và các huyện, thị xã Quốc Oai, Thạch Thất, Hoà Đức, Chương Mỹ, Sơn Tây, Hà Đông (Hà Tây), nay thuộc TP Hà Nội.

Cũng theo Giấy chứng nhận số 588, Dự án được giảm 50% tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được nhà nước giao, riêng diện tích đất tại các huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn được miễn nộp tiền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Dự án được miễn 6 năm tiền thuê đất của nhà nước, riêng diện tích đất tại huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn được miễn 13 năm tiền thuê đất, kể từ khi ký hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án; hoặc được giảm 50% thuế sử dụng đất trong 7 năm, riêng diện tích đất tại huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn được miễn nộp 15 năm, kể từ khi được giao đất để thực hiện dự án.

Ngoài ra, Dự án còn được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng để thực hiện dự án đầu tư, tạo thành tài sản cố định của Cty.

Được biết, Công ty CP nước sạch Vinaconex được UBND tỉnh Hoà Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 25121000252, lần đầu vào ngày 17/11/2010; cấp thay đổi lần 3 ngày 29/7/2013 và cấp Giấy chứng nhận kinh doanh số 5400310164 lần đầu ngày 17/12/2009, đăng ký cấp lại lần 2 ngày 17/2/2018. Đến nay, Công ty CP nước sạch Vinaconex đổi thành Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà.

Theo giấy chứng nhận đầu tư và kinh doanh, Dự án do Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, thực hiện hình thức đầu tư BOO do Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 53 ngày 3/9/2003 và được Thủ tướng cho phép tại Văn bản số 1285 ngày 24/9/2003.

Dự án có mục tiêu khai thác nguồn nước mặt sông Đà, cấp nước sạch tại vùng thủ đô Hà Nội. Cụ thể: Khu vực vệ tinh phía Tây TP Hà Nội, các đô thị sinh thái Hà Nội gồm các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn…dọc theo trục Láng – Hoà Lạc, đô thị phía tây Nam TP Hà Nội từ đường Vành Đai 3 đến đường Vành Đai 4 và khu vực nông thôn liền kề.

Việc triển khai thực hiện các hạng mục công trình của dự án trên hai địa phận tỉnh Hoà Bình và TP Hà Nội. 

Trong đó, địa phận Hoà Bình là các công trình đầu mối Nhà máy xử lý nước sạch sông Đà, gồm hệ thống kênh mương dẫn nước thô, hồ Đầm Bài, các trạm bơm, các bể xử lý nước sạch được xây dựng tại xã Phú Minh và xã Hợp Thành; một phần đường ống dẫn nước từ công trình đầu nối đi tiếp qua xã Yên Quang.

Vùng thủ đô Hà Nội gồm các hệ thống đường ống dẫn nước sạch bắt đầu từ điểm tiếp giáp tỉnh Hoà Bình và các hạng mục công trình liên quan.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm 

Công ty nước sạch sông Đà được ưu đãi 'khủng' thế nào? - Ảnh 2.

Khu vực đầu nguồn nước sông Đà.

Theo báo cáo 499 của Ban cán sự Đảng UBND Tỉnh uỷ Hoà Bình, công trình hồ Đầm Bài được xây dựng từ năm 1994, đưa vào khai thác sử dụng năm 1998 với mục tiêu ban đầu là tưới tiêu cho 500ha lúa và hoa màu của 3 xã thuộc huyện Kỳ Sơn.

Năm 2005, hồ được bổ sung thêm nhiệm vụ làm bể sơ lắng cho dự án cấp nước sinh hoạt chuỗi đô thị Sơn Tây, Hoà Lạc, Miếu Môn (Hà Nội).

Cũng theo báo cáo 499, công trình hồ Đàm Bài có diện tích lòng hồ khoảng 69,6ha, diện tích lưu vực 16,6km2, chiều dài đỉnh đập là 270m, dung tích hồ chứa toàn bộ khoảng 4,88 triệu m3.

Đáng chú ý, đến nay hồ Đầm Bài phục vụ hai nhiệm vụ là cấp nước sản xuất nông nghiệp cho 645 ha lúa, hoa màu và hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô để cấp cho TP Hà Nội với công suất 300.000m3/ngày.

Ngoài ra, ngày 27/5/2019, Bộ TN&MT lại ký ban hành Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 1307 cho phép Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà được xả thải trên 32.000m3/ngày từ Nhà máy nước sông Đà ra suối Bằng rồi chảy vào hồ Đầm Bài.

Được biết, Công an huyện Kỳ Sơn niêm phong; 7 bao tải cỏ dính dầu (khoảng 60kg) đang được lưu trữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại Viwasupco.

Về số chất thải này, Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Hoà Bình giao Công ty CP nước sạch sông Đà khẩn trương chuyển giao cho đơn vị có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Liên quan đến các nguy cơ ô nhiễm hồ Đầm Bài, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Thanh Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình cho biết nghi ngại: Công ty nước sạch sông Đà lấy trực tiếp nước từ hồ Đầm Bài về nhà máy để xử lý.

Nước xả thải, sau khi xử lý lại đổ trực tiếp xuống hồ Đầm Bài, vì không có chỗ xả thải khác. Sau đó nhà máy lại hút lên xử lý tiếp, cứ theo kiểu vòng tròn như vậy.

Bên cạnh đó, với chiều dài quanh hồ khoảng 16 km2 các chất thải và 645ha lúa, không thể tránh khỏi thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống hồ Đầm Bài không thể kiểm soát được, ông Hải nói.

Như vây, nguy cơ từ việc người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc 645ha lúa là rất cao. Thêm vào đó Nhà máy nước sông Đà lại xả nước thải vào đầu nguồn nước khiến người dân và cơ quan chức năng Hoà Bình lo ngại là có căn cứ.

Diễn biến "đầu độc" nguồn nước sông Đà

Ngày 9/10, Công ty nước sạch sông Đà thông báo tới công an xã Phúc Tiến, công an huyện Kỳ Sơn về hiện tượng nguồn nước nhiễm dầu thải.

Ngày 10/10, Công an huyện Kỳ Sơn, tiến hành kiểm tra, lập biên bản sự việc. Ngày 11/10, đoàn kiểm tra Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu nước tại trạm bơm Tây Mỗ, bể chứa trung gian tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) và tại Nhà máy nước Sông Đà.

Ngày 14/10, liên ngành gồm Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường); Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cùng các ban ngành liên quan đã kiểm tra thực tế, vị trí đổ thải trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh, Phúc Tiến, Phú Minh vẫn còn mùi khét của dầu thải; có cát đổ trên đường; khu vực sườn dốc xuống suối Trầm còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 2-3m3.

Ngày 15/10, UBND TP Hà Nội họp báo cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội.

Ngày 17/10, Công an huyện Kỳ Sơn khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường" theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015.

Ngày 23/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lý Đình Vũ (37 tuổi), Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi) về tội "Gây ô nhiễm môi trường", theo Khoản 2, Điều 235 Bộ Luật Hình sự. Các quyết định tố tụng đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Theo lời khai của các đối tượng, ngày 6/10, Vũ thuê Đại và Thám đi xe tải từ Bắc Ninh đến công ty trên để bơm dầu thải vào 10 thùng có tổng dung tích khoảng 10 m3.

Sau đó, 2 người này di chuyển hơn 110 km về Công ty cơ khí cao su K90 ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để gửi xe. Ngày 8/10, Vũ cùng đồng phạm đi 2 ôtô đến khu vực vắng người ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để đổ dầu thải.

Minh Đức