|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ nước sạch sông Đà nhiễm bẩn: Trình tự, thủ tục khởi kiện để đòi bồi thường như thế nào?

16:13 | 25/10/2019
Chia sẻ
Theo giới luật sư, cơ sở pháp lí để yêu cầu bồi thường trong vụ việc nước sạch sông Đà nhiễm bẩn là có nhưng người dân cần phải nắm rõ trình tự và thủ tục khởi kiện.

Liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) khiến nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn khiến nước sinh hoạt của người dân một số khu vực tại Hà Nội có hàm lượng Styren vượt ngưỡng cho phép, các luật sư cho rằng người dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trao đổi với báo chí, ông Lương Thanh Tùng, Chủ tịch HÐQT Cty CP Ðầu tư nước sạch sông Ðà (Viwasupco) cho biết, Công ty đang nỗ lực tối đa để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô. 

Công có phần chịu trách nhiệm trong sự cố cấp nước cho người dân, ngoài ra còn có trách nhiệm của từng cá nhân, các bộ phận liên quan đang được cơ quan chức năng xem xét.

vnp_xep_hang_lay_nuoc_2_1

Người dân Hà Nội xếp hàng chờ lấy nước sạch trong đêm. (Ảnh: Vietnamplus/TTXVN)

Đủ cơ sở yêu cầu bồi thường

Trao đổi với Vietnamplus, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông Luật) cho biết, việc xử lí như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lí kỉ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

74234753_1000949530244597_4431759509001601024_n

Luật sư Diệp Năng Bình-Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông Luật. (Ảnh: Vietnamplus/TTXVN)

Theo luật sư Bình, bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô thì những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình.

"Do đó, đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên, do người dân không kí trực tiếp với công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà nên phải xem lại hợp đồng là đơn vị nào đã bán trực tiếp nước cho người dân và người dân kiện trực tiếp đơn vị đó," luật sư Bình nhấn mạnh.

Trao đổi với Tiền phong, Luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty Luật Minh Bạch, giữa bên mua và bên bán tồn tại hợp đồng dạng độc quyền; bên mua không có quyền đàm phán mà phải kí kết theo mẫu của bên bán, nhưng về pháp lí, hai bên vẫn bình đẳng.

"Khi bên mua bị thiệt hại bởi việc cung cấp nước không đảm bảo theo qui chuẩn của Bộ Y tế thì bên bán phải bồi thường thiệt hại và hai bên tự thỏa thuận việc bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi đặt trụ sở bị đơn để đòi quyền lợi", luật sư Tuấn Anh nói.

Theo qui định tại Điều 2 Thông tư 41 qui định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch qui định tại Khoản 2 và 3 Điều 5 của Qui chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này phải được đơn vị cấp nước công khai trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả trên trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước các nội dung sau:

Tổng số mẫu nước thử nghiệm và các vị trí lấy mẫu; Các thông số và kết quả thử nghiệm cụ thể của từng mẫu nước; Biện pháp và thời gian khắc phục các thông số không đạt Qui chuẩn.

Theo qui định tại Điều 7 Thông tư 41, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lí hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch;…

Trình tự thủ tục khởi kiện như thế nào?

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong tranh chấp kinh doanh thương mại, Nhà nước khuyến khích các bên tự thỏa thuận, thương lượng bồi thường thiệt hại. Nếu không giải quyết được thì có quyền khởi kiện vụ án ra tòa.

Về trình tự, đầu tiên, người dân làm đơn khởi kiện theo mẫu của Nhà nước ban hành, trong đó ghi rõ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và trình bày nội dung vụ việc.

Sau đó, nộp kèm theo chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ, đúng pháp luật và gửi tới tòa án nhân dân có thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án sẽ phân công thẩm phán thụ lí vụ án xem xét hồ sơ.

"Nếu đã đủ yêu cầu thụ lí vụ án thì tòa án sẽ ra thông báo cho người dân nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 7 ngày. Trường hợp đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo chưa đủ thì tòa án sẽ thông báo cho người dân sửa đổi, bổ sung. Thời hạn để giải quyết vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại là 2 tháng và thẩm phán có thể gia hạn thêm 1 lần là 1 tháng", luật sư Tuấn Anh nói.

Theo luật sư Tuấn Anh, với mỗi hộ dân, có thể khó chứng minh được những thiệt hại cụ thể, nhưng với các khu chung cư, việc xúc rửa, vệ sinh, hỏng hóc máy móc khi sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn tốn nhiều chi phí khắc phục nên cần lập vi bằng các thiệt hại để chứng minh việc vi phạm hợp đồng của bên cung cấp nước không đạt qui chuẩn.

Ngoài ra, đại diện ban quản lí, ban quản trị các khu chung cư có thể đứng ra đại diện cho các hộ dân để đòi bồi thường.

Liên quan đến việc có được khởi kiện tập thể hay không, trao đổi với Phaply.net, Luật sư. Ts Nguyễn An (Hãng Luật Cộng Đồng) cho biết, pháp luật hiện nay chưa có khái niệm "khởi kiện tập thể".

Tuy nhiên, xem xét về mặt bản chất thì việc "Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án" (khoản 2 Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), có thể xem đó là một hình thức khởi kiện tập thể với ý nghĩa nhiều người kiện chung một tổ chức đã gây thiệt hại cho mình.

Do đó, theo vị luật sư, nếu có hàng trăm, hàng ngàn người khởi kiện cùng một lúc thì các đương sự có quyền áp dụng Điều 188 nói trên để cùng có chung đơn khởi kiện gửi đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết trong cùng một vụ án.

Hoặc mỗi người khởi kiện có thể làm riêng một đơn khởi kiện và trong đơn đó nêu rõ các yêu cầu cần tòa án giải quyết và chứng minh thiệt hại ngoài hợp đồng của mỗi hộ riêng.

Để tránh rơi vào tình trạng quá tải, theo qui định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

Và sau khi những đơn khởi kiện đó được tòa án có thẩm quyền thụ lí  và nhập vụ án, các nguyên đơn có quyền tự mình hay ủy quyền cho một hay nhiều người khác tham gia tố tụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ban hành thay thế Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã ghi nhận quyền của Tổ chức xã hội được vì lợi ích công cộng tự mình khởi kiện hoặc đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện tại khoản 3 Điều 187 và khoản 3 Điều 188.

Điều kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, được quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như sau:

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; 2. Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng hoặc vì lợi ích công cộng liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; 3. Có thời gian hoạt động tối thiểu là 3 năm tính từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện; 4. Có phạm vi hoạt động từ cấp tỉnh trở lên.

Thu Hà (Tổng hợp)