|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các công ty nước sạch ở Hà Nội kinh doanh ra sao?

10:56 | 26/10/2023
Chia sẻ
Doanh thu của các doanh nghiệp nước sạch ở Hà Nội đều tăng trong quý III/2023 khi Thủ đô điều chỉnh giá bán lẻ nước sinh hoạt từ ngày 1/7.

Sau 10 năm không điều chỉnh giá nước sạch, từ ngày 1/7, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên ở Hà Nội tăng từ 5.973 đồng lên 7.500 đồng và năm 2024 lên 8.500 đồng/m3 một hộ gia đình mỗi tháng. Giá nước sau 10 m3 đầu tiên sẽ tăng lũy tiến.

  Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Việc điều chỉnh giá nước sạch giúp nhiều doanh nghiệp cung cấp, phân phối nước cải thiện kết quả kinh doanh. Quý III/2023, CTCP Viwaco (Mã: VAV) ghi nhận 232 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 28%, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm nay, doanh thu Viwaco đạt 583 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, thực hiện được 75% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hơn 69 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, hoàn thành 78% chỉ tiêu năm.

Viwaco được thành lập năm 2005 với mục đích tiếp nhận và phân phối một phần nước sạch từ Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đà. Công ty quản lý mạng lưới cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho khu vực Tây Nam Hà Nội và đang mở rộng sang các khu vực như Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt, Đại Từ…Tính đến cuối năm 2022, công ty cung cấp cho 170.000 khách hàng với công suất cấp nước đạt 230.000m3/ngày đêm.

Tương tự, doanh thu thuần CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội (Hawater - Mã: NS2) tăng 20% lên 152 tỷ đồng trong quý III. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 5 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Hawater ghi nhận 388 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 55% xuống 5 tỷ đồng. Sau ba quý, công ty đã thực hiện được 68% kế hoạch doanh thu năm, 33% mục tiêu lợi nhuận năm đặt ra.

Hawater được thành lập năm 1996, hiện khai thác, xử lý cung cấp nước cho khu vực phía Bắc thủ đô như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Đối lập với hai doanh nghiệp trên, CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco - Mã: VCW) cho biết trong quý III, doanh thu đạt 136 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Song, giá vốn tăng 48% lên 89 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 35% còn 46 tỷ đồng.

Trừ hết chi phí, Viwasupco lỗ 2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 50 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân, công ty cho rằng do trong kỳ công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành một số hạng mục công trình của giai đoạn II, do đó khấu hao tài sản cố định và chi phí lãi vay tăng cao.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 418 tỷ đồng tăng 5%; lãi sau thuế đạt 36 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. So với mục tiêu năm đặt ra, Viwasupco đã thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu, 67% chỉ tiêu lợi nhuận.

Viwasupco được thành lập năm 2009 với hai cổ đông lớn là CTCP Hạ tầng Gelex (62,46%) và Công ty TNHH Nước sạch Ree (35,95%). Công ty đang cấp nước cho toàn bộ phía Tây Nam TP Hà Nội gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam và Bắc Từ Liêm và một số quận nội thành thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Viwasupco còn cấp nước cho một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông.

Tiến độ các dự án của công ty cấp nước

Khác với nhiều lĩnh vực, cấp nước là ngành đặc thù với vốn đầu tư ban đầu lớn và thời gian thu hồi vốn rất lâu.

Các doanh nghiệp xử lý và phân phối nước thường đầu tư nhà máy xử lý nước ban đầu với công suất lớn nhưng thường mất nhiều thời gian để vận hành tối đa công suất bằng cách liên tục phát triển mở rộng đường ống phân phối đến các hộ dân cư và các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, trong thời gian đầu vận hành, các doanh nghiệp thường chịu chi phí khấu hao lớn ảnh hưởng lớn biên lợi nhuận gộp.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư tài sản cố định dở dang dài hạn của doanh nghiệp cũng thường ở mức cao do liên tục đầu tư nâng cấp công suất nhà máy xử lý nước và đầu tư các tuyến ống phân phối nước.

Nguồn: VCBS.

Cuối quý III, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Viwasupco gần 121 tỷ đồng, giảm 92% so với đầu năm do chi phí dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giảm mạnh, từ 1.516 tỷ đồng xuống gần 6 tỷ đồng.

Được biết, dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông được phê duyệt năm 2003. Giai đoạn I với tuyến ống truyền tải Giai đoạn 1 dài 45,8 km, công suất 300.000 m3/ngày đêm, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng đã được triển khai năm 2005 và hoàn tất vào năm 2009. Giai đoạn II dự kiến nâng công suất cấp nước lên 600.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. 

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính của Viwasupco.

Cũng giống như Viwasupco, chi phí xây dựng dở dạng tại Hawater giảm 65% so với ngày 1/1 xuống 22 tỷ đồng. Nguyên dân do một số dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước đã hoàn thành như: Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước theo tiến độ hạ tầng địa phương Cổ Loa, Đông Anh; Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước theo tiến độ cải tạo hạ tầng địa phương Đông Anh; Dự án hoàn thiện hệ thống cấp nước cho thị trấn Quang Minh, Chi Đông, Mê Linh.

Bên cạnh đó, Hawater cũng tiến hành sửa chữa, cải tạo nhiều hệ thống thoát nước như: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, hoàn thiện mạng lưới cấp nước tập trung khu vực Đông Anh giai đoạn I; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, hoàn thiện mạng lưới cấp nước tập trung khu vực Sóc Sơn giai đoạn I.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính của Hawater.

Còn tính đến cuối tháng 9, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Viwaco, tăng 4% lên 24 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí từ dự án cải tạo, thay thế mạng lưới cấp nước cũ 2022 – Khối K3 (K3) tăng. Bên cạnh đó, một số dự án cải tạo của công ty đã hoàn thành.

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính của Viwaco.

Lâm Anh