|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

REE đặt cược vào phân khúc nước sạch

07:58 | 22/10/2019
Chia sẻ
Với CTCP Cơ điện lạnh (REE), việc đầu tư vào các ngành thiết yếu không còn quá xa lạ và nước sạch là một trong những trụ cột chiến lược trong tương lai.

Tính đến hết 2018, REE sở hữu 3 nhà máy nước nguồn tại TP HCM và 1 nhà máy tại Hà Nội với tổng công suất thiết kế 1,2 triệu m3/ngày đêm. Ngoài ra, REE còn đầu tư sở hữu các doanh nghiệp cấp nước khác như Cấp nước Gia Định, Cấp nước Khánh Hòa, Cấp nước Nhà Bè…

REE đặt cược vào phân khúc nước sạch - Ảnh 1.

REE đang sở hữu 3 nhà máy nước nguồn tại TP HCM và 1 nhà máy tại Hà Nội với tổng công suất thiết kế 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Nắm giữ nhiều nhà máy nước chủ chốt

Trong lĩnh vực nước, các công ty của REE được chia thành 2 nhóm: các công ty sản xuất nước sạch và công ty phân phối nước. Nhóm các công ty sản xuất nước sạch bao gồm: Công ty B.O.O Nước Thủ Đức (Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức), Công ty Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (Nhà máy nước Thủ Đức III), Công ty Đầu tư nước sạch Tân Hiệp (Nhà máy nước Tân Hiệp II), Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW). 

Nhiệm vụ chính của nhóm này vận hành các nhà máy xử lý nước và cung cấp nước sạch cho các thành phố lớn cũng như các công ty cấp nước khác.

Nhóm các công ty phân phối nước bao gồm: Công ty Cấp nước Nhà Bè, Công ty Cấp nước Gia Định và Công ty Cấp nước Thủ Đức. Các công ty này đầu tư, quản lí hệ thống mạng lưới đường ống nước cấp II, cấp III, phục vụ cấp nước cho các hộ dân trên địa bàn được phân chia.

Trong đó, riêng tại TPHCM, 3 nhà máy nước B.O.O Thủ Đức, Thủ Đức III, Tân Hiệp II có tổng công suất thiết kế 900.000 m3/ ngày đêm, tương đương 41% công suất xử lý nước sạch thiết kế của thành phố HCM. 

Còn tại Hà Nội, REE cũng đầu tư vào Nhà máy nước Sông Đà – nhà máy nước sạch lớn nhất theo quy hoạch 2013 tại Hà Nội (công suất 600.000 m3/ ngày), chiếm khoảng 35% công suất cung cấp nước cho Hà Nội.

Việc nắm giữ cổ phần tại các nhà máy nước chủ chốt tại Hà Nội và TP.HCM mang về tiềm năng lợi nhuận lớn cho REE. Trong năm 2018, lợi nhuận từ các công ty trong mảng sản xuất và phân phối nước đóng góp cho REE 201 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, CTCP Nước sạch Sài Gòn, B.O.O Thủ Đức và nước Sông Đà là những công ty đóng góp lợi nhuận nhiều nhất.

Trong ngành hạ tầng nước sạch, REE nắm giữ 42,07% cổ phần tại CTCP B.O.O Nước Thủ Đức; 40% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn; 24,85% cổ phần tại CTCP Nước sạch Khánh Hòa; 32% cổ phần tại CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp; 44,17% cổ phần tại CTCP Cấp nước Thủ Đức; 20,02% cổ phần tại CTCP Cấp nước Nhà Bè; 20,05% tại CTCP Cấp nước Gia Định. Đặc biệt là 35,95% cổ phần tại CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco).

Nhưng cũng có không ít áp lực

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc REE đặt nhiều kỳ vọng cho sự tăng trưởng ở từng doanh nghiệp của REE. Do đó, mảng điện và nước có thể vẫn tiếp tục là phân khúc đầu tư trọng yếu của REE trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các chuyên viên kiểm toán, áp lực trả nợ vay là yếu tố thách thức sự tăng trưởng của REE.

Dựa trên báo cáo kiểm toán 2017-2018 thì REE đang có khoản vay dài hạn với Vietcombank và đối tác, dưới hình thức trái phiếu. Cụ thể REE đã phát hành 1.000 trái phiếu cam kết mua lại với tổng giá trị lên đến 1.000 tỷ đồng. Theo đó, các trái phiếu trên được hoàn trả sau 5 năm kể từ ngày phát hành và được bảo đảm bằng 74 triệu cổ phiếu PPC thuộc sở hữu của REE. Tính đến cuối kỳ năm 2018, tổng nợ phải trả của REE tiệm cận mốc 5.571 tỷ đồng.

Trong mảng nước, đối với chính sách giá cả, do đây là mặt hàng thiết yếu nên giá đầu ra được được quy định bởi Nhà nước. Biểu giá sẽ được áp dụng khác nhau cho từng vùng (nông thôn, thành thị), từng mức sử dụng (theo thang lũy kế), từng mục đích sử dụng (nước sinh hoạt, nước sản xuất, nước dịch vụ)... 

Lộ trình tăng giá bán do từng địa phương quyết định. Doanh nghiệp muốn tăng giá bán phải lập hồ sơ và trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, do đó việc tăng giá đầu ra thường có độ trễ so với mức tăng giá chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, phần lớn cổ phiếu ngành nước hiện có thanh khoản rất kém, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp vẫn giao dịch sôi nổi. Yếu tố khiến cổ phiếu nước sạch kém hấp dẫn là bởi quy mô vốn tương đối nhỏ; địa bàn hoạt động thường giới hạn tại một số quận, thành phố nhất định nên hình ảnh doanh nghiệp ít được biến đến; lĩnh vực kinh doanh thiết yếu nên chịu sự quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước, nhất là các chính sách về giá cả khiến lợi nhuận thường khó đột biến. 

Bên cạnh đó, ngành nước cũng đối mặt với các thách thức riêng như hạ tầng còn kém phát triển và cần vốn đầu tư lớn; vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng gia tăng do khâu giám sát còn kém, quy trình xử lý nước thải chưa đạt chuẩn...Xác định cùng với điện, nước sẽ là một mũi nhọn của REE, tuy nhiên với những khó khăn nêu trên, hoạt động kinh doanh của REE tiềm ẩn đầy rủi ro.

Nguyễn Việt