|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty nợ lương hơn 200 công nhân: Lợi nhuận lao dốc, liên tục đổi người đại diện pháp luật

08:15 | 29/06/2021
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội, đơn vị chuyên thu gom rác, nợ lương hơn 200 lao động nửa năm, bên cạnh đó công ty còn từng nợ bảo hiểm xã hội tới hai năm của gần 460 lao động.
'Ông lớn' thu gom rác Minh Quân còn nợ 1,3 tỷ đồng, kinh doanh sa sút nghiêm trọng - Ảnh 1.

Hình minh họa: báo Người Lao Động.

Chây ì trả lương và nộp bảo hiểm xã hội

Thời gian gần đây, truyền thông liên tục đưa tin về việc CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội (trước kia là CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân) nợ lương hơn 200 người lao động suốt 6 - 7 tháng gây bức xúc dư luận.

Các công nhân của công ty đều là người từ tỉnh lẻ tới thành phố để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Việc chậm lương khiến họ thêm cơ cực, khó khăn, nhất là khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Sau khi gặp áp lực từ truyền thông, Nam Hà Nội đã lên kế hoạch và tiến hành trả lương cho người lao động.

Theo báo Hà Nội mới, từ tháng 8 đến tháng 12/2020 có 52 công nhân tổ Cầu Diễn và Tây Mỗ chưa được thanh toán lương với số tiền là 1,8 tỷ đồng. Nam Hà Nội đã thống nhất chi trả theo hai đợt tiền còn nợ của công nhân vệ sinh môi trường khu vực quận Nam Từ Liêm.

Trong đó, đợt 1 vào 19/6, công ty đã tạm ứng 500 triệu đồng thanh toán cho 46 công nhân có hoàn cảnh khó khăn thuộc tổ vệ sinh môi trường Cầu Diễn và Tây Mỗ. Đợt 2, khoảng 1,3 tỷ đồng, công ty cam kết hoàn tất thanh toán cho các công nhân còn lại trước ngày 10/7.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý theo quy định để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các công nhân bị Nam Hà Nội nợ lương, báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 30/6.

Ngoài nợ lương, công ty còn nợ đóng BHXH cho người lao động và liên tục bị "bêu tên" khi nợ đóng BHXH 24 tháng của gần 460 lao động với tổng số tiền lên tới gần 19 tỷ đồng. Phải tới tháng 12/2020, Nam Hà Nội mới khắc phục toàn bộ số tiền nợ BHXH cộng dồn là 20,25 tỷ đồng (tính tới hết tháng 11/2020).

Kinh doanh lao dốc, liên tục đổi người đại diện pháp luật

CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội được thành lập vào giữa tháng 5/2007, trụ sở chính ở số 28A, TT10, khu đô thị Văn Quán, Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Nam Hà Nội đăng ký khá nhiều ngành nghề kinh doanh (76 ngành nghề) trong đó có hoạt động thu gom rác thải độc hại, xử lý và tiêu hủy rác thải.

Tuy nhiên, hoạt động tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại (cụ thể là tổ chức sự kiện) mới là ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Thông tin về cơ cấu cổ đông hiện không được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trong năm 2020, công ty đã 8 lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp, trong đó có lần thay đổi ngày 4/11/2020, công ty đổi tên từ "CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân" thành "CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội". Tại thời điểm này người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Tùng.

Các lần thay đổi đăng ký còn lại, đều là thay đổi người đại diện pháp luật, với những cái tên khác nhau từ bà Trần Thị Huế, ông Nguyễn Đình Ngọc… cho tới ông Trần Quang Tuấn (1965) ở lần cập nhật mới nhất ngày 27/11/2020. Ông Tuấn cũng giữ vị trí Tổng Giám đốc của công ty.

Năm 2017, CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội được chú ý đến khi trúng 6 gói thầu vệ sinh môi trường với tổng trị giá hơn 1.150 tỷ đồng, thời hạn cung cấp dịch vụ công ích vệ sinh môi trường là đến ngày 31/12/2020. Nhờ vậy, tính tới hết tháng 12/2017, doanh thu của Nam Hà Nội tăng vọt lên 293 tỷ đồng, lãi sau thuế 7,3 tỷ đồng.

'Ông lớn' thu gom rác Minh Quân còn nợ 1,3 tỷ đồng, kinh doanh sa sút nghiêm trọng - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội giai đoạn 2016 - 2019. (Biểu đồ: Tường Vy).

Liên tục trúng các gói thầu có trị giá cao, công ty tham gia duy trì vệ sinh môi trường ở 9 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, bao gồm Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ và Mỹ Đức với tư cách độc lập lẫn liên danh. Tuy nhiên khi thực hiện dự án, Nam Hà Nội lại để lộ năng lực thực hiện dự án yếu kém.

Cụ thể, công ty liên tục để phát sinh nhiều vấn đề như không đủ xe, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải, xảy ra tình trạng tồn động rác tại nhiều tuyến đường chính, nước rác thải rỉ ra từ các xe cẩu chảy lênh láng dọc nhiều tuyến đường, bốc mùi hôi thối, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Đỉnh điểm là vụ việc đổ trộm 80 tấn rác thải sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm vào đầu tháng 3/2017, chỉ vài ngày sau khi công ty tiếp nhận gom rác thải tại địa bàn.

Những năm tiếp theo, cả doanh thu và lợi nhuận của Nam Hà Nội liên tục lao dốc. Cụ thể năm 2019, doanh thu công ty chỉ còn 130 tỷ đồng, lợi nhuận 44 triệu đồng, lần lượt giảm 45,5% và 98% so với năm 2018.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của doanh nghiệp cuối năm 2019 là 389 tỷ đồng, nợ phải trả là 316 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty là 4,29 lần tính tới hết năm 2019. 

Tường Vy