Công ty môi giới BĐS trả mặt bằng, cho nhân viên nghỉ việc vì hết tiền
Chị Lệ, nhân viên công ty môi giới BĐS ở đường 2 tháng 9, quận Hải Châu cho biết, công ty chị có 12 người còn lại nhiều cộng tác viên. Đợt dịch năm 2020, công ty đã cho nghỉ việc dần, còn 5 người. Từ tháng 5/2021 đến nay, công ty đã cho nhân viên làm ở nhà, không có hỗ trợ.
"Không chỉ công ty tôi mà các công ty môi giới BĐS khác cũng đã cho nhân viên làm ở nhà hoặc nghỉ việc. Nguyên nhân là không có sản phẩm, dự án mới để bán. Bạn bè tôi còn chủ động xin nghỉ việc vì công ty hết tiền để duy trì hoạt động, đã trả mặt bằng. Tôi cũng đã suy nghĩ việc nghỉ việc", chị Lệ nói.
Anh Thạnh, quê Quảng Nam cho biết, anh cũng đã chủ động nghỉ việc từ dịp lễ 30/4 để về quê tránh dịch vì tình hình kinh doanh của công ty ảm đạm, không có sản phẩm để bán. Công ty hết tiền nên nhân viên không có lương từ cuối năm 2020, số lượng nghỉ việc hơn 15 người.
"Bao giờ hết dịch thì tính tiếp, ở lại thành phố không còn tiền ăn, uống và thuê nhà", anh Thạnh tâm sự.
Giám đốc một sàn môi giới BĐS chia sẻ, tình trạng các công ty môi giới BĐS hết tiền hoạt động, trả mặt bằng thuê, cho nhân viên nghỉ việc đã diễn ra từ cuối năm 2020. Các công ty này nguồn tiền hoạt động chủ yếu đi vay ngân hàng, phân phối sản phẩm cho các công ty có kinh tế hơn hoặc chủ đầu tư.
Theo vị Giám đốc này, tại Đà Nẵng đã từ lâu không có dự án mới, khan hiếm nguồn cung để bán. Trong khi đó, tại Quảng Nam cũng hoàn cảnh tương tự. Cá biệt, xuất hiện tình trạng các công ty BĐS phát triển dự án, chủ đầu tư đã đặt tên mới trên chính khu đất cũ từ năm 2017 để bán nhưng cũng không hề đơn giản, do trước đó, các dự án đã bán nhiều lần, giá đẩy quá cao, pháp lý chưa đầy đủ và người dân cũng trong tâm thế giữ tiền lo dịch bệnh.
"Các công ty môi giới BĐS không có sản phẩm để bán, không thu tiền vào, một số công ty yếu về tài chính không có nguồn tiền để tiếp tục chi trả nhiều khoản như tiền lương, thuê mặt bằng và nhiều chi phí khác. Đó là những nguyên nhân các công ty môi giới hầu hết đã cho nhân viên nghỉ việc, trả mặt bằng, tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể", vị giám đốc này nói.
Thời gian qua, người viết cũng đã ghi nhận một số công ty môi giới BĐS ở đường 2 tháng 9 và Nguyễn Hữu Thọ đã đóng cửa, trả mặt bằng, cho nhân viên nghỉ việc. Nhiều nhân viên về quê hoặc bám trụ ở Đà Nẵng chạy xe Grab, bán quần áo online, bán vé máy bay,…để trang trải cuộc sống.
Tại kỳ họp thứ hai HĐND TP Đà Nẵng khóa X tổ chức ngày 12/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trong 7 tháng năm 2021, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trên địa bàn thành phố gia tăng đáng kể. Theo đó, 512 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc bị giải thể (tăng 6,4% so với cùng kỳ) và có 2.017 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động (tăng 38% so với cùng kỳ).
Chia sẻ tại một tọa đàm trực tuyến mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land phân tích, trong ngành BĐS có một số nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm các doanh nghiệp chủ đầu tư - là các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư lớn, có các nguồn vay đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn.
Các doanh nghiệp BĐS lớn này thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư.
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60-70%, là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, họ có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là khó khăn.
Những doanh nghiệp này đang không có nguồn thu và họ đang phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Khi thị trường khó khăn, đối tượng này sẽ rút lui và rời khỏi thị trường tương đối nhiều.
Theo bà Hương, quý IV/2021, nếu lực lượng này không hoạt động được mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa.
Báo cáo của Bộ Xây dựng quý II/2021 cũng cho biết, từ cuối tháng 4/2021, đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước. Các sàn giao dịch BĐS chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Khoảng 80 % các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.