|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty mẹ Shopee không tăng lương, cắt giảm thưởng để chuẩn bị cho năm 2023 khó khăn

06:57 | 23/12/2022
Chia sẻ
Sea áp dụng hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi phí để lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư.

Sea, công ty mẹ của Shopee, trả qua một năm 2022 khó khăn. (Ảnh: Bloomberg).

Sea đang áp dụng biện pháp “đóng băng” lương và trả khoản thưởng thấp hơn trong năm nay với phần lớn nhân sự trong bối cảnh “ông lớn” internet Đông Nam Á này chuẩn bị cho một năm 2023 với môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều chuyển biến xấu, theo Bloomberg.

Ông Forrest Li, CEO Sea, nói trong một thông điệp nội bộ rằng công ty này cần tập trung vào lợi nhuận sau một năm 2022 khó khăn. Ông đồng thời cảnh báo xung đột tại Ukraine và lạm phát trên toàn cầu sẽ khiến năm 2023 “thậm chí còn thách thức hơn”. Vì thế, ông Li cho biết công ty sẽ dừng tăng lương đối với các nhân sự không được bổ nhiệm các vị trí cao hơn.

“Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng chúng ta sẽ khởi đầu năm 2023 với một vị thế ổn định”, ông Li nói. “Phần lớn các thay đổi quan trọng mà chúng ta cần thực hiện đã hoàn thành”, người đứng đầu Sea chia sẻ thêm.

Giá trị vốn hoá của Sea đã giảm 77% trong năm nay khi các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về triển vọng của công ty này trong thời kỳ lãi suất tăng và cạnh tranh khốc liệt. Một người phát ngôn của Sea từ chối chia sẻ về các thông tin nói trên.

Sea đã cắt giảm khoảng 7.000 nhân sự, tương đương khoảng 10% định biên, để cố gắng giảm lỗ và lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư. Công ty này cũng đóng cửa hoạt động thương mại điện tử ở một số thị trường Châu Âu và Mỹ Latinh.

Hồi tháng 11, Sea công bố khoản lỗ theo quý thấp hơn so với kỳ vọng. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” có thể giúp Sea sớm tiến đến mốc có lợi nhuận dù tăng trưởng chậm lại.

“Tôi biết những thông tin như thế này rất khó để chấp nhận, đặc biệt là vào mùa lễ hội cuối năm”, ông Li viết. “Đây là các biện pháp tạm thời nhưng cần thiết để giúp chúng ta xây dựng một tương lai lớn hơn và tươi sáng hơn”.

Nam Khánh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.