Công ty của con gái ông Đặng Văn Thành hoàn tất mua 16 triệu cổ phiếu Thành Thành Công - Biên Hòa
Hậu hợp nhất, đại gia mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa đón bước đại nhảy vọt? |
CTCP Đầu tư Thành Thành Công vừa công bố thông tin hoàn tất mua vào 16 triệu cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa. Thời gian giao dịch từ 22/8 – 12/9 theo phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Sau giao dịch, Đầu tư Thành Thành Công nâng số lượng cổ phần nắm giữ lên 123,5 triệu cp, tương đương 24,93% vốn điều lệ của Thành Thành Công – Biên Hòa.
Được biết, Đầu tư Thành Thành Công là cổ đông lớn đồng thời là tổ chức có liên quan đến người nội bộ của Thành Thành Công Biên Hòa. Cụ thể, bà Đặng Huỳnh Ức My là Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công.
Gần đây, bà Trần Quế Trang, Phó Tổng Giám đốc thường trực của công ty hoàn tất mua vào 2 triệu cổ phiếu SBT, nâng số lượng cổ phần sở hữu lên 3,2 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện giao dịch từ 4 – 10/9 theo phương thức giao dịch khớp lệnh.
Ngày 12/9, Thành Thành Công – Biên Hòa công bố nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Các vấn đề cần lấy ý kiến cổ đông gồm chia cổ tức, phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi, thay đổi ngành nghề kinh doanh, ban hành sửa đổi, bổ sung quy chế nội bộ về quản trị công ty.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV (1/4-30/6/2018), Công ty Cổ phần Đường Thành Thành Công – Biên Hòa ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.164 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ doanh thu bán đường tăng mạnh. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 67% lên 1.830 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp không cải thiện nhiều, đạt khoảng 15%.
Về diễn biến ngành đường trong khu vực, theo cam kết Hiệp định Thương mại Hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA), Việt Nam sẽ phải xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường có nguồn gốc sản xuất trong khu vực từ năm 2018 và sau 2 năm mức thuế nhập khẩu mặt hàng đường sẽ giảm về 0% từ mức 5%.
Tuy nhiên, Chính phủ vừa qua đã ưu tiên gia hạn việc thực thi Hiệp định ATIGA trong lĩnh vực đường đến năm 2020 giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thêm thời gian để cải tiến sản xuất, từ đó giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh so với đường nhập khẩu, đặc biệt là đường Thái.
Trước đây, giá xuất khẩu tại cảng của đường Thái Lan luôn thấp hơn giá bán buôn đường tại Việt Nam khoảng 3.000-5.000 đồng/kg và cao hơn chính giá bán buôn đường nội địa Thái Lan trung bình 30%.
Tuy nhiên, trong tháng 1/2018, sau các vụ kiện quốc tế liên quan đến bảo hộ, Chính phủ Thái Lan chính thức ngưng áp dụng chính sách giá bán buôn nội địa cố định và phân chia hạn ngạch giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, những yếu tố hỗ trợ chính cho giá xuất khẩu cạnh trạnh trong những năm trước.