Công ty 'con' của TKV bị kiện hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trước đó, ngày 25/4/2019, Đại hội đồng Công ty VTTC họp thường niên và ra nghị quyết về một số vấn đề quản trị công ty, trong đó có nghị quyết về việc tăng vốn thông qua hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Việc làm tưởng như bình thường này đã bị một số cổ đông chỉ rõ là có dấu hiệu bất thường của Giám đốc và HĐQT Công ty VTTC. Thực chất, việc tăng vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ chính là cách làm nhằm làm mất giá trị số cổ phần còn lại của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoán sản Việt Nam (TKV) tại Công ty VTTC để dễ dàng “thâu tóm” số cổ phần này.
Theo đó, tại Tờ trình số 16/TTr-VTTC ngày 8/4/2019, HĐQT Công ty đã trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư mới. Số cổ phần tăng thêm là 625 nghìn cổ phần, mệnh giá 10 nghìn đồng. Giá trị cổ phần phát hành thêm là 6,25 tỷ đồng.
Số cổ phần nêu trên không bán cho cổ đông hiện hữu và bán cho dưới 100 nhà đầu tư theo hình thức chào bán riêng lẻ. Sau khi chào bán, số cổ đông của công ty sẽ tăng lên Công ty VTTC sẽ có vốn điều lệ là 31.250.560.000 đồng, tương đương 3.125.560 cổ phần phổ thông.
Theo đó, phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phần và chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư mới đã được Đại hội đồng cổ đông của Công ty VTTC thông qua, với phiếu biểu quyết đồng ý của chính đại diện TKV, cổ đông nắm giữ 36% vốn điều lệ. Với việc làm này, TKV đã đồng ý để cho lãnh đạo Công ty VTTC chào bán cổ phần cho nhà đầu tư mới.
Việc huy động vốn như trên tưởng chừng là bài toán có lợi cho Công ty VTTC, nhưng thực chất lại là một phép tính có lợi cho một số cá nhân và có thể gây thiệt hại cho cổ đông TKV vì việc chào bán theo phương thức này đồng nghĩa với việc làm giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của TKV tại Công ty VTTC.
Cụ thể, với phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, tăng vốn điều lệ thêm 625 nghìn cổ phần như nội dung của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty VTTC thì mặc dù số cổ phần mà Tập đoàn TKV sở hữu không thay đổi nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phần của TKV sẽ giảm xuống còn khoảng 28%.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao những người đưa ra phương án tăng vốn lại muốn giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông TKV tại Công ty VTTC?
Đây là câu hỏi không khó trả lời đối với những người am hiểu về doanh nghiệp này. Hiện nay, với 36% cổ phần phổ thông, Tập đoàn TKV là cổ đông lớn nhất của Công ty VTTC và tiếng nói của TKV gần như có tính quyết định các vấn đề lớn của doanh nghiệp này. Bởi lẽ, với 64% cổ phần còn lại, nếu các cổ đông khác có đoàn kết lại với nhau cũng không thể quyết định được số phận của Công ty nếu cổ đông TKV bỏ phiếu “chống”.
Do vậy, việc giảm vốn của TKV tại Công ty VTTC nhằm mục tiêu tăng số cổ phần của các cổ đông còn lại lên trên 65%. Khi đó, với số cổ phần phổ thông chỉ còn 28% thì tiếng nói của TKV chỉ là thứ yếu, thậm chí TKV sẽ không còn quyết định được gì ở Công ty VTTC.
Khi lô cổ phần của TKV giảm còn 28% thì khả năng bán “được giá” lô cổ phần này là rất thấp, bởi người mua không sẽ còn vị thế cao như việc sở hữu 36% cổ phần. Bài toán tăng vốn bằng chào bán cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư mới chính là “một mũi tên trúng hai đích” của người lập ra phương án này.
Giả thuyết này còn được củng cố bởi chính phương án kéo dài lộ trình thoái vốn mà bà Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc Công ty VTTC đã gửi HĐQT Công ty và Tập đoàn TKV. Theo đó, bà Nguyễn Đoan Trang muốn kéo dài lộ trình thoái vốn của TKV tại công ty này đến năm 2022 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018-2020) sẽ giảm vốn xuống còn 29% và giai đoạn 2 (2020-2022) sẽ giảm vốn của TKV về 0%.
Câu hỏi đặt ra là tại sao bà giám đốc Công ty VTTC lại muốn thực hiện điều này? Câu trả lời đã có ở trên, đó chính là việc làm giảm giá trị số cổ phần còn lại của TKV. “Nếu phương án thoái vốn 2 giai đoạn được chấp thuận, một kịch bản dễ thấy là 7% cổ phần đầu tiên sẽ được bán với giá rất cao nhưng 29% cổ phần còn lại sẽ được bán với giá bèo và cuối cùng người sở hữu cổ phần là TKV sẽ bị thiệt hại”, Luật sư Nguyễn Minh Anh, ĐLS TP Hà Nội phân tích.
Những việc làm bị cho là “mờ ám” này có vẻ như qua mặt được Tập đoàn TKV khi người đại diện vốn của TKV tại Công ty VTTC đã chấp thuận điều này và bản thân ông Lê Quang Dũng, Phó tổng giám đốc TKV cũng cho rằng, việc tăng vốn trên là bình thường và TKV “đồng hành” cùng doanh nghiệp. Song, với các cổ đông khác thì họ không nghĩ vậy.
Trong đơn khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty VTTC, ông Vũ Mạnh Thắng cho rằng, việc ban hành nghị quyết về tăng vốn theo hình thức chào bán riêng lẻ làm giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và như vậy làm thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có TKV. Do đó, ông Vũ Mạnh Thắng yêu cầu TAND quận Cầu Giấy hủy nghị quyết số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 25/4/2019 của Đại hội đồng cổ đông Công ty VTTC.
Điều oái oăm là cho đến nay, Tập đoàn TKV được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nghị quyết này nhưng vẫn không có động thái đứng ra bảo vệ lợi ích của nhà nước và của Tập đoàn.
Tập đoàn TKV là đơn vị doanh nghiệp do Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lại đại diện chủ sở hữu. Theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp thì việc Tập đoàn TKV thờ ơ với những việc làm bất thường ở Công ty VTTC cần được kiểm tra, giám sát và làm rõ có hay không những toan tính nhằm trục lợi từ vốn nhà nước của các cá nhân liên quan.