Công ty chứng khoán kinh doanh thế nào trong 9 tháng đầu năm?
Các công ty chứng khoán kinh doanh thế nào trong 9 tháng đầu năm? |
Theo thông tin công bố từ Sở GDCK TP HCM (HSX) và Sở GDCK Hà Nội (HNX), top 5 thị phần môi giới chứng khoán trong quý III/2017 vẫn là những cái tên quen thuộc: CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), CTCP Chứng khoán VNDirect (VND), CTCP CK Sài Gòn-Hà Nội (SHS) và CTCP CK Bản Việt (VCSC).
Quý III, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực khi chỉ số VN-Index tăng 8,44% lên 804,42 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 14,5% đạt mức 107,66 điểm. Nhìn chung, việc tăng trưởng phần nào tạo sự kỳ vọng cho nhà đầu tư, dòng tiền có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn và cải thiện tình hình giá cổ phiếu.
Hưởng lợi từ điều này, top 3 doanh thu môi giới quý III được dẫn đầu bởi VCSC với 187 tỷ đồng, sau đó là SSI và HSC lần lượt 169 tỷ đồng và 117 tỷ đồng.
SSI thống lĩnh thị phần và doanh thu môi giới
Tính đến 30/9, thống kê 14 Công ty chứng khoán (CTCK) theo quy mô thị phần môi giới cho thấy tổng doanh thu đạt hơn 9.633 tỷ đồng; tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng doanh thu môi giới đạt 2.472 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng bình quân 28,5%; hoạt động bán tài sản tài chính chiếm bình quân 30,4%.
Top 5 Công ty chứng khoán có doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về SSI, VCSC, HSC, VND và MBS. Trong đó, SSI có thu nhập từ hoạt động môi giới đứng đầu, thị phần môi giới đạt 15,28% toàn thị trường; trong đó thị phần HSX và HNX lần lượt là 16,41% và 14,05%.
Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu môi giới/tổng doanh thu của Chứng khoán Bản Việt (BVSC) lại đạt mức cao nhất, tương đương khoảng 48%. Techcombank Securities chỉ thu về hơn 7 tỷ đồng trong kỳ này, giữ vị trí thấp nhất.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III các công ty
VPBS “soán ngôi” SSI về doanh thu bán tài sản tài chính
Hoạt động bán tài sản tài chính (FVTPL) của 14 công ty chiếm khoảng 44,3% tổng doanh thu, đạt 2.343 tỷ đồng; tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó, VPBS đã soán ngôi SSI, đạt hơn 1.043 tỷ đồng từ mảng này và giữ vị trí cao nhất. Vị trí tiếp theo trong danh sách xếp hạng là VCSC, TCBS, VND, VCBS, BSC và thấp nhất là FPTS chỉ thu về hơn 3,5 tỷ đồng.
Riêng SSI sụt giảm 15% do chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính quý III chiếm gần 130 tỷ đồng (lỗ bán tài sản tài chính 32 tỷ đồng). Danh mục đầu tư của SSI quý này bay hơi mạnh ở một số mã như: ELC giảm 57 tỷ còn 149 tỷ đồng, VAF giảm 24 tỷ còn 42 tỷ đồng, PET từ 45 tỷ xuống 31 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III các công ty
Tổng tiền gửi khách hàng tăng hơn 70%
Về số dư tiền của khách hàng, SSI vẫn giữ vị trí tiên phong trong danh sách này với hơn 3.308 tỷ đồng. Tổng dư tiền gửi của khách hàng tại 14 công ty trên tăng hơn 70% so với thời điểm đầu năm, đạt 14.218 tỷ đồng.
Các khoản tiền gửi bao gồm tiền của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý, tiền gửi tổng hợp giao dịch chứng khoán cho khách hàng và tiền gửi của tổ chức phát hành.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III các công ty
Lãi 9 tháng xuất hiện nhân tố đột biến SHS
Kết quả 9 tháng đầu năm, SSI, VCSC và HSC là 3 đơn vị báo lãi cao nhất. Kỳ này, VCSC tăng trưởng 112% nhờ đánh giá lại tài sản tài chính theo giá trị thị trường trong quý III, kết hợp với hoạt động tư vấn gặt hái được nhiều kết quả tích cực.
Như vậy, 14 công ty đã thu về khoảng 3.226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi SSI giảm lãi hay FPTS thu lợi nhuận tăng không đáng kể thì SHS tăng trưởng đột biến 456% nhờ thị trường chứng khoán quý III đạt nhiều thuận lợi hơn cùng kỳ.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay 9 tháng của 14 công ty chứng khoán tăng trưởng 36% so với đầu năm, đạt mức 26.976 tỷ đồng, Trong đó, SSI vẫn giữ vị trí số 1 với 4.729 tỷ đồng cho vay. Khoản mục này tại các công ty chứng khoán chủ yếu đến từ cho vay nghiệp vụ ký quỹ và ứng trước tiền bán của khách hàng.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III các công ty