Doanh nghiệp dược nhỏ nhưng có 'võ'
Doanh nghiệp dược quy mô nhỏ nhưng tăng trưởng cao (Ảnh minh họa). |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua gần một năm với diễn biến tích cực. VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 28% so với thời điểm đầu năm, vượt đỉnh 880 điểm. Giá trị giao dịch toàn thị trường đã 2 lần chạm mốc 10.000 tỷ đồng nhờ lực đẩy của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Không nằm ngoài xu hướng đó, cổ phiếu ngành Dược cũng có sự bứt phá mạnh mẽ. Ấn tượng nhất là thị giá cổ phiếu công ty Dược Hà Tây (DHT) và Dược phẩm Trung Ương 3 (DP3) đã tăng hơn 100%, quanh mức 70.000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, Dược Domesco (DMC), Imexpharm (IMP), Dược OPC (OPC), Dược Hậu Giang (DHG), Traphaco (TRA) có mức tăng trưởng từ 10 đến 50%.
Nhờ sự thăng hoa này, giá trị thị trường nhiều công ty đã tăng thêm cả nghìn tỷ đồng. Thống kê 14 doanh nghiệp ngành Dược, top vốn hóa cao nhất bao gồm DHG, TRA, DMC, IMP, OPC và Dược Cửu Long (DCL).
Riêng cổ phiếu của Pymepharco (PME) mới chào sàn gần đây cũng tăng 12% lên mức 92.000 đồng/cp (phiên 10/11), xếp thứ 2 trong danh sách này.
Giá trị vốn hóa doanh nghiệp cập nhật ngày 15/11. (Nguồn: NH tổng hợp) |
Tiềm năng tăng trưởng của một số doanh nghiệp
Mặc dù không đạt mức vốn hóa lớn nhất trong ngành như Dược Hậu Giang nhưng Vimedimex (VMD) lại dẫn đầu về doanh thu thuần.
Tính đến 30/9, tổng tài sản VMD đạt hơn 8.600 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm 96%, vốn chủ sở hữu khoảng 4,3%. Việc tài sản của VMD chủ yếu đến từ nợ vay có thể tạo ra một số áp lực quản trị tài chính cho doanh nghiệp bởi mức lãi suất cho vay tăng dần có thể làm tăng chi phí tài chính tương lai.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ của VMD đã tăng hơn 1,8 lần lên 155 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 năm. Lợi nhuận sau thuế, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức thấp nhất ngành.
DHG xếp thứ 2 danh sách với tổng tài sản đạt hơn 4.079 tỷ đồng với 69% đến từ vốn chủ sở hữu, vay nợ tài chính chỉ chiếm 19%.
Theo sau là Dược Hà Tây, Dược Bến Tre (DBT) và Dược Lâm Đồng (LDP). Ba doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn lên gấp khoảng 2 lần trong năm nay. Cơ cấu tài sản của DHT và DBT đều có tới hơn 60% nợ phải trả, nợ vay tài chính vượt mức 200 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ. Hệ số ROA của PMC và DP3 đều đạt trên 20%, riêng DHT chạm mốc tỷ lệ 34%.
Số liệu được tổng hợp tính toán dựa trên BCTC quý III/2017. |
Ngoài ra, PME, DMC, IMP, PMC đều không vay nợ tài chính, nợ phải trả chỉ chiếm khoảng 15-17% tổng tài sản.
Đáng chú ý, PMC có mức EPS cao nhất, gần chạm mức 7.800 đồng, P/E khoảng 9,6 lần.
Tiếp theo là doanh nghiệp với quy mô lớn thứ 2 ngành Dược – Pymepharco có EPS đạt 3.598 đồng. Tỷ trọng doanh thu kênh OTC (bán lẻ nhà thuốc) chiếm 52% và kênh ETC (điều trị) chiếm 48% tổng doanh thu của PME.
Còn một doanh nghiệp khác, doanh thu chỉ đạt 250 tỷ đồng, đứng vị trí cuối cùng trong danh mục thống kê nhưng EPS của DP3 đã chạm mức 4.396 đồng, trong khi P/E là 16,7 lần.
9 tháng đầu năm, doanh nghiệp từng sở hữu thương hiệu “cao su sao vàng” này chỉ vay nợ khoảng 17 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16% nợ phải trả, tương đương 13% vốn chủ sở hữu. Biên lợi nhuận gộp duy trì đà tăng từ 46,7% (2015) tiếp đến 50% (2016) và đạt 56% (9 tháng 2017).
Số liệu được tính toán dựa trên BCTC quý III/2017. |
Ngược lại, doanh nghiệp niêm yết từ tháng 8 là Vidipha (VDP) có EPS đạt 4.396 đồng, tuy nhiên P/E chỉ khoảng 8,5 lần. Giá cổ phiếu này hiện loanh quanh ngưỡng 39.000 đồng/cp sau khi đạt đỉnh 46.210 đồng/cp hồi cuối tháng 8.
Được biết, hoạt động kinh doanh của VDP chủ yếu là sản xuất thuốc tân dược ở phân khúc giá trung bình, sản phẩm kháng sinh đóng góp 59% tổng doanh thu. Tỷ trọng doanh thu kênh OTC và ETC lần lượt đạt 80% và 20%.
Đáng chú ý, trong năm 2016 VDP có một khoản thu bất thường từ chuyển nhượng bất động sản trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận (TP HCM) trị giá 39 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế 2016 tăng 36% cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 58 tỷ đồng. Năm 2017, VDP tiếp tục chuyển nhượng một dự án khác gần 40 tỷ đồng tuy nhiên chi phí phát sinh tăng khiến thu nhập khác giảm 53% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh thu bất thường từ hoạt động này sẽ không còn được ghi nhận trong năm 2018. Tại thời điểm 30/6; tiền, tương đương tiền của VDP chỉ khoảng 16 tỷ đồng.
Trong khi đó, Dược Hậu Giang lại dẫn đầu về số dư tiền. Ước tính, số dư tiền của doanh nghiệp này gần bằng tổng dư tiền của toàn bộ 13 doanh nghiệp còn lại. Trong khi Vidipha và Imexpharm có số dư tương đương nhau thì DMC, PME, TRA, DP3 ở khoảng 68 tỷ đến 79 tỷ đồng và VDP, DCL, LDP dưới 20 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý III/2017 của các doanh nghiệp |
Theo nghiên cứu của BMI Research, ngành dược Việt Nam đang phát triển nhanh nhất Châu Á, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt từ 17-20%.
Dự kiến, quy mô thị trường sẽ chạm mức 7,2 tỷ USD vào năm 2020. Nguyên nhân đến từ nhu cầu chi tiêu thuốc ở Việt Nam còn khá thấp trong khi quy mô dân số ngày một đông, đặc biệt khi nhà nước bắt đầu tính chuyện thoái vốn tại các doanh nghiệp này, ngành dược phẩm có thể còn sôi động và nhiều dư địa tăng trưởng hơn nữa.