Công nghiệp chế biến và dịch vụ là lối thoát cho nông nghiệp
Đó là nhận định của ông Ousmane Dinoe - tân Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam tại buổi báo cáo phát triển với chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào sáng nay tại Hà Nội.
Quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi sáng kiến và đầu tư cả từ phía nông dân và các doanh nghiệp tư nhân (Ảnh: omard.gov) |
Một chuyên gia kinh tế của World Bank, ông Steven Jaffee nhận xét, hơn 80% hàng nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm thô. Nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo được giá trị hơn khi hàng hóa qua chế biến đảm bảo chất lượng và thương hiệu.
Đồng quan điểm như trên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nông nghiệp phải chuyển mình khỏi quy mô nông trại. "Câu chuyện nông nghiệp không chỉ của riêng nông dân và sản xuất các sản phẩm thô. Phải đầu tư cho công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp", ông Tuấn cho biết.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo, nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và phải phát triển theo hướng khác", .
Báo cáo của World Bank đề xuất nông nghiệp Việt Nam nên phát triển hệ thống nông - lương hiện đại từ nay 15 - 20 năm nữa. Trong đó, sản xuất sơ cấp chỉ chiếm khoảng 6 - 8% GDP, dịch vụ phân phối, kho vận lương thực và các dịch vụ nông nghiệp chiếm 12 - 14%. Tổng đóng góp cho GDP của cả hệ thống nông - lương khoảng 20%.
World Bank cũng cho rằng mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai phải đảm bảo 25 - 30% tổng việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động. Ngoài nông dân, các lao động khác sẽ tham gia vào công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.
Quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi sáng kiến và đầu tư cả từ phía nông dân và các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế World Bank, chính sách đóng vai trò chủ chốt trong phát triển nông nghiệp. Chính phủ có thể giảm vai trò đầu tư trực tiếp nếu khuyến khích đầu tư tư nhân có hiệu quả hơn, kể cả thông qua hình thức đối tác công - tư vào lĩnh vực chế biến và dịch vụ.
Đối với đầu tư FDI cho lĩnh vực nông nghiệp, theo chuyên gia World Bank, lợi thế ưu đãi về thuế không phải điều kiện lý tưởng. Vị chuyên gia này cho rằng, chưa có nhiều đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam do hạn chế về luật. Các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi đàm phán thực hiện dự án tại các tỉnh thành phố.
"Muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh cần khuyến khích chính xác doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Thay vì trợ cấp nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam hãy hỗ trợ xuất khẩu", chuyên gia Steven Jaffee chia sẻ.