|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cộng đồng quốc tế kêu gọi G20 tăng cường hỗ trợ tài chính cho chương trình ứng phó COVID-19 toàn cầu

01:00 | 21/11/2020
Chia sẻ
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần chung tay ủng hộ chương trình hợp tác toàn cầu: "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch COVID-19" (ACT-Accelerator) hiện đang thiếu 4,5 tỉ USD vốn hoạt động khẩn cấp, để góp phần bảo vệ mạng sống của người dân và mở đường chấm dứt đại dịch.

Đây là nội dung là thư có chữ kí của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, gửi tới Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Saudi Arabia (A-rập Xê-út) vào cuối tuần này.

Bức thư có đoạn nêu rõ việc các lãnh đạo G20 cam kết đầu tư để bù đắp khoản thiếu hụt 4,5 tỉ USD cho chương trình ACT-Accelerator sẽ lập tức giúp cứu nhiều mạng sống. Việc làm này cũng sẽ tạo điều kiện thực hiện các hợp đồng mua và vận chuyển các thiết bị giúp ứng phó với đại dịch COVID-19 qui mô lớn, mở đường giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo toàn cầu này.

Lá thư gửi tới Quốc vương Salman của Saudi Arabia nhấn mạnh G20 sẽ đặt nền móng cho "chiến lược thoát hiểm toàn cầu" bằng việc tham gia ủng hộ ACT-Accelerator và cùng cam kết dành một phần của khoản kích thích kinh tế trong tương lai cho việc mua và vận chuyển các thiết bị giúp ứng phó với đại dịch trên toàn cầu.

Sáng kiến ACT-Accelerator, một chương trình hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối vắc-xin phòng bệnh, công cụ chẩn đoán và điều trị COVID-19 một cách công bằng cho các nước do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, tính đến tháng 9/2020, chương trình này mới nhận được 3 tỉ USD trong tổng số 38 tỉ USD cần thiết để đảm bảo mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỉ liều vắc-xin, 245 triệu lượt chữa bệnh và 500 triệu lượt xét nghiệm chẩn đoán cho người dân trên thế giới trong năm tới.

Lá thư có chữ ký của nhiều nhà lãnh đạo như Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Trước đó, ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ vẫn phải đương đầu với chặng đường phục hồi đầy khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 kể cả khi triển vọng tìm ra vắc-xin phòng bệnh đang dần sáng rõ.

IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,4% trong năm 2020 và việc thiếu một chiến lược thoát hiểm toàn cầu được tài trợ hợp lý sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu với an ninh kinh tế và y tế của tất cả các quốc gia và người dân. IMF nhấn mạnh kinh tế toàn cầu chỉ có thể được phục hồi và cơn bĩ cực chỉ qua đi khi đại dịch được giải quyết trên qui mô toàn cầu.

Hà Quý Chung