|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công bố Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam

04:13 | 13/12/2020
Chia sẻ
Tối ngày 10/12, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Buổi lễ có sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và gần 300 đại diện từ các tổ chức trong nước và quốc tế cùng cộng đồng các doanh nghiệp.

Trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2020 có các tên tuổi như Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH Coca-Cola Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa...

Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam hay còn gọi là Chương trình CSI đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và có sức lan tỏa nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước. 

Bước sang năm thứ 5 triển khai, dù gặp nhiều thách thức từ đại dịch COVID-19 nhưng Chương trình CSI 2020 vẫn ghi nhận số lượng hồ sơ tham gia đông đảo của doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt qui mô và thành phần kinh tế. 

Trong số hơn 500 doanh nghiệp lọt qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất và đi đầu trong phong trào thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam.

Năm 2020, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) tiếp tục được sử dụng làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp. 

Công bố Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu chụp ảnh chung cùng các doanh nghiệp được vinh danh (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN).

Với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị, Chỉ số Môi trường và Chỉ số Lao động, CSI 2020 đã được nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã ký kết gần đây (như CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu), cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. 

Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện

Phát biểu khai mạc tại Lễ công bố, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhận định: "Bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp thì Bộ chỉ số và Chương trình CSI 2020 cũng nhận được sự ghi nhận to lớn của Chính phủ về tính hiệu quả và tác động tích cực trong việc thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp. 

Cụ thể, trong các chính sách quan trọng của Chính phủ về phát triển bền vững, như Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019, Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về Phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững Khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hay gần đây nhất là Nghị quyết 136/NQ-TTg ngày 25/09/2020, đều được lồng ghép nội dung về tiếp tục thực hiện chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững và nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Để CSI có thể thực sự đến gần hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp ở từng quy mô khác nhau, VCCI sẽ sớm nghiên cứu xây dựng thêm các phiên bản điều chỉnh của Bộ chỉ số CSI dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và doanh nghiệp lớn".

Năm 2020 không chỉ đánh dấu 5 năm hành trình Chương trình CSI, mà còn ghi dấu mốc son 10 năm hoạt động của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam.

Sau một thập kỷ bền bỉ, VBCSD đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy kinh doanh, giúp phần lớn doanh nghiệp Việt từ hiểu mơ hồ đến hiểu đúng và thực hiện phát triển bền vững toàn diện; thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, và Bộ chỉ số CSI.

VBCSD không chỉ thúc đẩy áp dụng CSI đối với từng doanh nghiệp mà còn hướng đến các ngành nghề, như xây dựng Bộ chỉ số CSI riêng biệt cho ngành chế biến thuỷ sản, da giày – túi xách. 

Cùng với đó, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn với sự hợp tác của các Hội viên VBCSD, các đối tác trong nước, quốc tế, thông qua các sáng kiến cụ thể như không xả thải vào thiên nhiên, xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, các dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo...

VBCSD còn là cầu nối giúp Chính phủ hiểu hơn về doanh nghiệp thông qua các hoạt động đối thoại và kiến nghị chính sách về phát triển bền vững, với dấu ấn sắc nét trong chuỗi Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) từ năm 2014, Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững (2018, 2019). 

Nhiều chính sách quan trọng, làm bản lề cho việc triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động phát triển bền vững doanh nghiệp đã được ra đời, như Chỉ thị 13/CT-TTg về Phát triển bền vững, Quyết định 1362/QĐ-TTg về Phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hay Nghị quyết về Phát triển bền vững là kết quả đầu ra của Hội nghị toàn quốc năm 2019.

Trần Thị Ngọc Quỳnh