|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lo sinh tồn mà nhiều doanh nghiệp quên mất mục tiêu phát triển bền vững

22:03 | 29/06/2018
Chia sẻ
Dù được xem là mục tiêu tất yếu ở hầu hết các doanh nghiệp, nhưng tại Việt Nam, “phát triển bền vững” vẫn luôn bị bỏ ngỏ.
lo sinh ton ma nhieu doanh nghiep quen mat muc tieu phat trien ben vung
Xây dựng chiến lược kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững là đòi hỏi tất yếu ở tất cả các doanh nghiệp.

Phát triển bền vững là mục tiêu được ưu tiên ở hầu hết các doanh nghiệp. Thời kì đầu, các doanh nhân, doanh nghiệp có thể chỉ trú trọng tới lợi nhuận, nhưng một khi đã có thành quả, họ đều hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn, như đầu tư cho nhân sự, xây dựng chiến lược dài hạn, hay thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường, với xã hội…

Bên cạnh đó, đây còn được xem là tấm giấy thông hành để các doanh nghiệp vươn ra biển lớn trong thời kì hội nhập quốc tế như hiện nay. Chính vì vậy, xây dựng chiến lược kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững là đòi hỏi tất yếu ở tất cả các doanh nghiệp.

Trên thực tế, Việt Nam có 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Do đó, mục tiêu mà phần lớn các doanh nghiệp này quan tâm chỉ là “tồn tại”, trong khi hoạt động “phát triển bền vững” lại để ngỏ.

Tất nhiên, điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi phát triển bền vững cần cả một quá trình và đòi hỏi doanh nghiệp cần có nhiều nguồn lực khác nhau, không thể ngày một, ngày hai mà hoàn thành. Câu chuyện này giải thích tại sao, các doanh nghiệp tại Việt Nam luôn băn khoăn với bài toán đầu tư để phát triển bền vững.

lo sinh ton ma nhieu doanh nghiep quen mat muc tieu phat trien ben vung
Chương trình CEO – Chìa khoá thành công với chủ đề:

Như câu chuyện tại Vinesta - một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm, sở hữu 100% thuộc các thành viên trong gia đình. Sau 20 năm phát triển ổn định, doanh nghiệp đã có những bước tiến khá ngoạn mục.

Trước áp lực cạnh tranh của thị trường, đặc biệt là của các DN nước ngoài và các công ty đại chúng, Vinesta nhận thấy cần tăng nguồn lực về vốn, về nhân sự… nhằm tăng khả năng cạnh tranh và sinh tồn. Bởi vậy, DN đã tiến hành IPO. Sau khi đã IPO DN cũng đã niêm yết thành công nhưng các thành viên chủ chốt của gia đình vẫn giữ quyền điều hành, chi phối.

CEO là một người có tầm nhìn nên đã đề xuất với HĐQT căn cứ vào tốc độ tăng trưởng cũng như kỳ vọng của nhiều cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, Vinesta cần xây dựng và tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững, gây dựng thương hiệu và hình ảnh Vinesta là một doanh nghiệp PTBV hàng đầu ở Việt Nam và đưa Vinesta vào danh mục chỉ số phát triển bền vững VNSI.

Để đạt được mục tiêu này, Vinesta sẽ phải đầu tư thêm thời gian và nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội qua đó làm gia tăng giá trị vô hình và tính bền vững của Vinesta về dài hạn, tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Do đó, đề xuất này của CEO đã gặp phải sự phản đối từ HĐQT. Họ cho rằng, DN đã mất quá nhiều công sức, tiền bạc sau tiến trình IPO. Giờ tiếp tục lên sàn và lọt top, chưa chắc DN đã có đủ sức bền. Còn cứ cố làm, vỡ ra dễ xôi hỏng bỏng không. Bởi vậy, mọi việc nên tạm dừng ở đó.

Đó là chưa kể, nhiều DN có tên tuổi đã đạt chỉ số VNSI, Vinesta lên sau, liệu có cạnh tranh nổi? Ngoài ra, “chiêu trò” gây nhiễu loạn thị trường của các ông lớn, khiến DN rất dễ bị ảnh hưởng, cây cao gió cả v.v…

Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trong TOP, có báo cáo rất tốt nhưng về bản chất chưa chắc họ đã thực sự đầu tư vào chiến lược PTBV như Vinesta. Thế nên liệu có cần tốn tiền và công sức vào việc này không, trong khi rất có thể phải giảm lợi nhuận ngắn hạn?

Phía CEO thuyết phục, muốn đi xa, phải làm cho tới. Đã IPO và lên sàn thành công rồi thì mới chỉ là bước đầu giúp doanh nghiệp có thêm nền tảng phát triển bền vững và lâu dài.

Tuy nhiên, giá trị doanh nghiệp khi đã lên sàn không chỉ dựa trên lợi nhuận hàng năm của hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố phi tài chính giúp doanh nghiệp cân bằng và phát triển bền vững hơn, Vinesta cần tiếp tục đầu thêm vào các mục tiêu PTBV tích hợp trong chiến lược của mình và có những kế hoạch hành động phù hợp để đạt được các mục tiêu này, công bố các thông tin về chiến lược và thực hành PTBV trong báo cáo thường niên đồng thời đáp ứng các tiêu chí lọt vào rổ VNSI.

CEO giữ quan điểm, nếu DN thực sự quan tâm xây dựng một chiến lược tích hợp PTBV với các mục tiêu khả thi và phù hợp; đồng thời đạt được các chỉ tiêu của VNSI – phát triển bền vững thì sẽ nâng tầm thương hiệu. DN sẽ đạt đẳng cấp ở một tầm mới cao hơn. Lúc đó, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ cao, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng, không ngại gì việc giá lên - giá xuống.

Vậy CEO sẽ thuyết phục các thành viên HĐQT thế nào?

Câu trả lời sẽ có tại Chương trình CEO – Chìa khoá thành công với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Nền tảng vững bền", được phát sóng vào 10h00 sáng Chủ nhật ngày 1/7 và phát lại vào 8h00 sáng Thứ 2 ngày 2/7 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC). Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.

Xem thêm

Việt Hưng