|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam xuất sang Hàn Quốc

07:55 | 18/12/2018
Chia sẻ
Hàn Quốc là thị trường tiềm năng đối với ngành cà phê Việt Nam khi nhu cầu cà phê có xu hướng tăng mạnh. Trong khi đó, thị phần cà phê của Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn ở mức thấp.

Hệ thống cửa hàng cà phê thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường cửa hàng cà phê Hàn Quốc đang bùng nổ mạnh. Theo ước tính, tổng giá trị thị trường cà phê tại Hàn Quốc đạt 11.000 tỉ won (tương đương 10,8 tỉ USD).

Hàn Quốc là quốc gia có mật độ cửa hàng cà phê cao nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê, năm 2017, có khoảng 26,5 tỉ ly cà phê được bán ra và số lượng cửa hàng cà phê ước tính đạt 88.500, tăng 63% so với năm 2015. Điều đó tương ứng với việc cứ 600 người dân Hàn Quốc thì sẽ có 1 cửa hàng cà phê.

con nhieu du dia cho ca phe viet nam tai han quoc
Một cửa hàng cà phê tại Hàn Quốc. (Nguồn: salamkorea.com)

Tại Hàn Quốc có các thương hiệu chuỗi cà phê khổng lồ, trong đó dẫn đầu là Ediya với hơn 2.000 cửa hàng, cạnh tranh với hơn 1.100 cửa hàng Starbucks và hàng nghìn chuỗi cửa hàng nhỏ khác hoạt động với thương hiệu độc lập.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, người dân nước ngày thường ưu tiên lựa chọn các thương hiệu mà họ biết đến. Đồng thời một thương hiệu vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ thị phần không những ở thị trường trong nước, mà còn ở thị phần nước ngoài.

Cà phê Việt còn nhiều "đất diễn" tại Hàn Quốc

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc nhằm giúp thương hiệu cà phê Việt Nam để lại dấu ấn trong thói quen mua sắm của khách hàng bản địa.

Hiện 40% khách hàng Hàn Quốc ưa chuộng loại cà phê Americano, nhưng nhiều cửa hàng cà phê đang cố gắng thử các sản phẩm mới như cà phê pha máy, sẽ tiện hơn rất nhiều khi mang theo.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu cà phê của nước này 10 tháng năm 2018 đạt 132.969 tấn, trị giá 533,29 triệu USD, tăng 0,2% về lượng, nhưng giảm 2,5% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, Brazil là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất với lượng nhập khẩu đạt 25.354 tấn, trị giá 71,87 triệu USD, tăng 10,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với cùng kì năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho Hàn Quốc.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay mặc dù chênh lệch về lượng so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất Brazil là không đáng kể, nhưng trong 10 tháng năm 2018, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam giảm 14,3% về lượng và giảm 23% về trị giá.

Giá cà phê nhập khẩu bình quân của Hàn Quốc 10 tháng năm 2018 đạt mức 4 USD/kg, giảm 2,6% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Brazil đạt mức 2,83 USD/kg, giảm 10,4%; Việt Nam đạt 1,94 USD/kg, giảm 10,1%. Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Mỹ ở mức cao 11,04 USD/kg, tăng nhẹ 0,1% so với 10 tháng năm 2017.

10 tháng năm 2018, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc đạt 19%, tăng mạnh so với mức 13,6% trong 10 tháng năm 2017. Thị phần cà phê của Brazil cũng đạt 19,1%, tăng từ mức 10,5%.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định nhìn tổng thể, nhu cầu tiêu thụ cà phê của Hàn Quốc đã tăng mạnh trong những năm qua, nhưng lượng tiêu thụ cà phê bình quân vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ, Đức và nhiều nước châu Âu khác. Trong khi đó, thị phần cà phê của Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn ở mức thấp.

"Do đó, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng đối với ngành cà phê Việt Nam khi nhu cầu cà phê có xu hướng tăng mạnh. Người dân Hàn Quốc đang có xu hướng giao tiếp xã hội nhiều hơn. Trong suốt thập kỉ vừa qua, mọi người đã quen với việc ra ngoài và thưởng thức 1 tách cà phê, thói quen này đã góp phần gia tăng, thúc đẩy ngành cà phê phát triển", theo Cục Xuất nhập khẩu.

Đức Quỳnh