|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Cơn lũ' nguồn vốn Trung Quốc đang làm thị trường tài chính hàng không chao đảo

11:12 | 30/10/2017
Chia sẻ
Một nghiên cứu công bố hôm thứ Hai (30/10) cho biết, “cơn lũ” nguồn vốn chi phí thấp của Trung Quốc đang làm chao đảo thị trường cho thuê máy bay toàn cầu. Theo đó, nguồn vốn của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện chiếm 28% trong tổng số 261 tỷ USD đã được các công ty cho thuê tài chính trên toàn thế giới triển khai. Con số này đã tăng từ mức 5% của 9 năm trước.
con lu nguon von trung quoc dang lam thi truong tai chinh hang khong chao dao
'Cơn lũ' nguồn vốn Trung Quốc đang làm thị trường tài chính hàng không chao đảo. Ảnh: Reuters

Dòng chảy hơn 70 tỷ USD vào ngành cho thuê máy bay từ các ngân hàng Trung Quốc và các nhà đầu tư khác trong thập kỷ qua đang giúp các hãng hàng không mở rộng hoạt động.

Sự quan tâm chưa từng có từ Trung Quốc, thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, được thể hiện rõ hơn trong các cuộc họp của 1.500 nhà tài chính tại 2 hội nghị lớn diễn ra ở Hồng Kông trong tuần này.

Một nghiên cứu khác, trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Kinh tế Hàng không Flightglobal Ascend, cũng cho biết nguồn vốn từ Trung Quốc sẽ chiếm hơn 1/3 lĩnh vực cho thuê máy bay trong vòng 5 năm tới.

Mặc dù vậy, điều này làm giảm lợi nhuận của những thành phần truyền thống tham gia vào một lĩnh vực đang nổi lên nhanh chóng như một loại tài sản mới.

"Trong chu kỳ 2003 - 2008, tỷ lệ cho thuê máy bay tăng lên đáng kể, nhưng trong chu kỳ này thì điều đó đã không xảy ra. Một phần là vì ngày càng có nhiều người tìm kiếm các thỏa thuận giống nhau", ông Rob Morris, Giám đốc phòng tư vấn toàn cầu của Flightglobal Ascend, cho biết.

Trong nhiều năm, một số chuyên gia đã cảnh báo, sản lượng kỷ lục của Airbus, Boeing và lượng đặt hàng quá mức của một số hãng hàng không sẽ làm nổ bong bóng nhu cầu về các máy bay phản lực.

Tuy nhiên, ông Morris nhận thấy một mối đe dọa lớn hơn trong dài hạn đến từ phía nguồn cung, khi các nhà đầu tư mới đổ tiền vào ngành hàng không. Ông dự đoán phần lớn nguồn vốn đó được sử dụng để gây áp lực lên chính đối thủ của các nhà đầu tư.

Theo ông Morris, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn và đó là một dấu hiệu cảnh báo cho những người chơi khác.

"Nếu số tiền này khiến các quy luật bị đặt lại, bạn sẽ phải học cách để chơi theo luật mới hoặc thua cuộc", ông Morris nói.

Mặc dù vậy, một số thành phần kỳ cựu trong thị trường không đồng tình với ý kiến này, vì cho rằng nguồn tiền mới sẽ rút lui nhanh như khi nó đến khi thị trường đi xuống, khiến cho những người chơi thiếu kinh nghiệm phải phân bổ lại những chiếc máy bay bị bỏ lại.

Cho đến nay, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường đang bình ổn, mặc dù đã có những biến động trên thị trường đối với một số máy bay đường dài. Sự sụp đổ gần đây của hãng hàng không Air Berlin và Monarch tại châu Âu đã khiến các hành khách tức giận, nhưng theo các quan chức ngân hàng, máy bay của các hãng này đã được xử lý tương đối nhanh do nhu cầu tăng cao.

Một thử nghiệm quan trọng nữa đó là việc lãi suất được dự báo tăng, và sự thu hồi chính sách kích thích tài chính của các ngân hàng trung ương, những tổ chức bơm tiền vào nền kinh tế với một phần trong đó đã được đưa vào ngành hàng không.

Ông Morris cho hay, trong lịch sử, các nhà đầu tư máy bay đã thu được lợi nhuận lên đến 2 con số nhưng hiện, nhiều người chỉ mong kiếm được một nửa số đó hoặc với 1 con số.

"Lợi nhuận như vậy có thể chấp nhận được trong một môi trường lãi suất thấp, nhưng khi lãi suất bắt đầu tăng thì liệu nhà đầu tư có thể bắt đầu tăng lợi nhuận của mình không? Điều đó có lẽ là không thể", ông Morris nói.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và dự kiến ​​sẽ tăng 1 lần nữa vào tháng 12.

Lyly Cao