|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơn đau đầu của SK Group khi đặt niềm tin vào xe điện

11:53 | 15/07/2024
Chia sẻ
Một nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu của Hàn Quốc vừa tuyên bố rơi vào tình trạng khủng hoảng khi khách hàng của họ đang phải đối mặt với doanh số xe điện thấp tại châu Âu và Mỹ.

SK On, nhà sản xuất pin xe điện lớn thứ 4 thế giới sau các đại gia Trung Quốc CATL và BYD cùng đối thủ Hàn Quốc LG Energy Solution, đã liên tục thua lỗ trong 10 quý kể từ khi tách ra từ công ty mẹ vào năm 2021. Theo Financial Times, nợ ròng của công ty đã tăng hơn 5 lần, từ 2,1 tỷ USD lên 11,7 tỷ USD trong cùng kỳ, do doanh số xe điện tại phương Tây thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Trước tình hình thua lỗ ngày càng tăng, Tổng giám đốc Lee Seok-hee đã công bố một loạt biện pháp cắt giảm chi phí và điều chỉnh cách làm việc vào đầu tuần trước, mô tả đây là tình trạng "quản lý khẩn cấp". Ông Lee viết trong thư gửi nhân viên: "Chúng ta đang bị dồn vào chân tường. Tất cả chúng ta cần đoàn kết lại."

Những giải pháp triệt để hơn cũng đang được thảo luận trong tập đoàn SK Group của Hàn Quốc. Theo một nguồn tin thân cận với tập đoàn, một phương án đang được xem xét là sáp nhập công ty mẹ của SK On là SK Innovation với SK E&S, công ty năng lượng có lợi nhuận cao của tập đoàn chuyên về sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng. Khả năng sáp nhập này dự kiến sẽ được thảo luận ở cấp hội đồng quản trị trong tháng này.

 SK On là một công ty thuộc Tập đoàn SK của Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters).

SK On đã thực hiện hàng loạt khoản đầu tư tích cực tại Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây. Công ty đã đặt cược vào dự đoán về sự bùng nổ nhu cầu xe điện. Tuy nhiên, công ty đã phải thông báo kéo dài thời gian cho công nhân nghỉ việc tại nhà máy ở bang Georgia (Mỹ) và trì hoãn việc khai trương nhà máy thứ hai ở Kentucky, một liên doanh với khách hàng chính là Ford.

Các nhà sản xuất Trung Quốc CATL và BYD hiện thống trị ngành công nghiệp pin toàn cầu với thị phần kết hợp là 53,2%, theo số liệu từ công ty tư vấn SNE Research có trụ sở tại Hàn Quốc. Sản xuất và doanh số của họ vẫn tập trung chủ yếu ở thị trường nội địa, nơi tỷ lệ sử dụng xe điện cao hơn nhiều so với các nước phương Tây.

Với việc Washington và Brussels đang tìm cách ngăn chặn làn sóng pin nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất Hàn Quốc như LG, SK và Samsung SDI cùng với Panasonic của Nhật Bản, đã có cơ hội nắm bắt sự tăng trưởng trong tương lai ở các thị trường phương Tây.

Tại Mỹ, các nhà sản xuất pin không phải Trung Quốc, bao gồm cả SK On, đã được hưởng lợi từ hàng tỷ đô la trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, Tim Bush, chuyên gia phân tích ngành pin tại UBS có trụ sở tại Seoul, cho biết các nhà sản xuất pin Hàn Quốc đã bị thất vọng nặng nề bởi các nhà sản xuất ô tô Mỹ - những công ty được cho là đã không sản xuất được xe điện đủ hấp dẫn đối với người tiêu dùng đại chúng để đáp ứng dự báo doanh số lạc quan của chính họ.

Ông lưu ý rằng cho đến tận năm ngoái, General Motors vẫn dự báo sẽ bán được một triệu xe điện vào năm 2025. Tuy nhiên, họ chỉ bán được 21.930 chiếc trong quý II năm nay.

"Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc không phải đầu tư mù quáng, mọi khoản đầu tư của họ đều dựa trên sổ đặt hàng với số lượng và giá cố định," Bush nói.

"Nhưng các nhà sản xuất ô tô đã không đầu tư đủ vào việc sản xuất xe điện chất lượng cao giá cả phải chăng", nhà quan sát này chỉ ra vấn đề.

Các nhà phân tích cho rằng SK đang ở vị thế kém thuận lợi hơn so với các đối thủ Hàn Quốc như LG và Samsung SDI, cả hai công ty này cũng đã cắt giảm đầu tư. Theo đó, bởi vì với tư cách là một công ty mới tham gia vào cuộc đua pin toàn cầu, SK đã đưa ra các điều khoản về giá hấp dẫn cho khách hàng, điều này hiện đang gây bất lợi cho công ty.

Tuy nhiên, Bush cho rằng mặc dù việc làn sóng sử dụng xe điện đã chậm hơn dự kiến, nhưng việc chuyển đổi sang xe điện vẫn là "điều không thể tránh khỏi".

Ông nói: "Miễn là tập đoàn SK tiếp tục xem SK On là tài sản quý giá và hỗ trợ cần thiết để vượt qua cơn bão hiện tại, thì tương lai lâu dài của công ty có khả năng sẽ được đảm bảo."

Thành Vũ

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.