|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhiều nhà sản xuất pin EV tìm cách nhận ưu đãi thuế từ Mỹ

10:41 | 16/10/2023
Chia sẻ
Các nhà sản xuất pin khác của Nhật Bản đã chuyển sang nguồn nguyên liệu pin quan trọng từ Canada và các quốc gia khác mà có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ.

Hoạt động sản xuất pin lithium-ion công nghệ và chất lượng cao ứng dụng cho xe điện. (Ảnh: BNEWS/TTXVN).

Nhà sản xuất pin xe điện có trụ sở tại Nhật Bản AESC Group tỏ ý tin tưởng rằng kế hoạch xây dựng hai nhà máy mới ở Mỹ vẫn đi đúng hướng bất chấp sự giám sát của Washington đối với lĩnh vực này ngày càng tăng.

Giám đốc công nghệ AESC Group Hiroyuki Akashi cho biết AESC sẽ thúc đẩy nỗ lực để đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế của Chính phủ Mỹ. AESC Group được công ty năng lượng tái tạo Trung Quốc Envision Group mua lại vào năm 2019.

Ông Akashi cho biết AESC đã có một nhà máy ở Mỹ cung cấp sản phẩm cho nhà sản xuất ô tô Nissan Motor của Nhật Bản, nhưng giờ đây công ty có "tầm nhìn rõ ràng" về việc mở rộng sự hiện diện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà máy trị giá 2 tỷ USD của AESC dự kiến sẽ đi vào hoạt động tại bang Kentucky (Mỹ) vào năm 2025 và một nhà máy khác trị giá 810 triệu USD ở bang Nam Carolina sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.

Các công ty có liên kết với Trung Quốc trở thành mục tiêu giám sát của Mỹ trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, khi các nhà chỉ trích cho rằng sự tham gia của Trung Quốc vào lithium và các thành phần pin quan trọng khác có thể mang lại cho họ đòn bẩy đáng kể trong sản xuất toàn cầu.

Đảng Cộng hòa mới đây cũng đã kêu gọi đánh giá an ninh đối với các công ty có liên quan đến Trung Quốc, trong đó có công ty Gotion, trụ sở tại bang California. Công ty này đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe điện ở bang Illinois, Mỹ.

Trong khi đó, Ford Motor đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về nhà máy sản xuất pin EV trị giá 3,5 tỷ USD ở Michigan do mối quan hệ hợp tác cung ứng công nghệ và thiết bị với “gã khổng lồ” sản xuất pin Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc.

Một số nhà lập pháp Mỹ đã nêu lên lo ngại rằng các ưu đãi thuế khổng lồ của Mỹ dành cho lĩnh vực xe điện trong nước có thể đến được Trung Quốc thông qua sự hợp tác với Ford.

AESC là liên doanh sản xuất pin giữa Nissan và tập đoàn điện tử Nhật Bản NEC, trước khi bị Envision mua lại bốn năm trước. Công ty Trung Quốc sở hữu khoảng 80% AESC, có thị phần toàn cầu nhỏ nhưng đang nhanh chóng mở rộng.

Các nhà sản xuất pin khác của Nhật Bản đã chuyển sang nguồn nguyên liệu pin quan trọng từ Canada và các quốc gia khác mà có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, một yêu cầu đối với các nhà cung cấp muốn cung cấp khoản tín dụng trị giá lên tới 7.500 USD cho người mua xe điện.

AESC cũng muốn có đủ điều kiện nhận các ưu đãi khác bao gồm tín dụng thuế cho chính các nhà sản xuất pin. Tuy nhiên, ông Akashi cho hay vẫn chưa chắc chắn được điều gì bởi Chính phủ Mỹ vẫn chưa xác định đầy đủ các quy tắc.

Minh Hằng (theo Nikkei Asia)