|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cốc Cốc lỗ âm vốn dù chạm mốc 24 triệu người dùng

08:16 | 12/09/2020
Chia sẻ
Doanh thu Cốc Cốc gần như không tăng kể từ năm 2017, trong khi chi phí giá vốn liên tục leo thang khiến công ty liên tục thua lỗ. Lỗ luỹ kế đã lên đến 426 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 62 tỉ đồng.

Thị phần trên đà xuống dốc

Ra mắt lần đầu tiên vào cuối năm 2012 với tên gọi Cờ Rôm ++, Cốc Cốc mất hơn một năm để bắt đầu có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam. Số liệu từ Statista cho thấy thị phần Cốc Cốc năm 2013 gần như bằng 0, nhưng tăng lên 7,19% chỉ một năm sau đó.

Trong các năm kế tiếp, thị phần nội địa của Cốc Cốc tiếp tục tăng trưởng và đạt đỉnh vào năm 2017 với 19,42%. Tuy nhiên trong 2 năm kế tiếp, trình duyệt gốc Việt tiếp tục chứng kiến thị phần giảm, tới năm 2019 chỉ còn 16,04%.

Mặc dù thị phần giảm, công ty vẫn công bố những cột mốc lớn. Cuối năm 2019, Cốc Cốc cho biết hiện trình duyệt đã chạm mốc 24 triệu người dùng tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty tuyên bố họ có 22 triệu người dùng nền tảng quảng cáo, cao nhất so với các mạng quảng cáo online trong nước. 

Tình hình kinh doanh Cốc Cốc đi xuống dù vừa chạm mốc 24 triệu người dùng - Ảnh 1.

Thị phần Cốc Cốc kể từ khi ra mắt. Ảnh: Statista.

Nếu lượng người dùng tuyệt đối của Cốc Cốc liên tục tăng nhưng thị phần lại giảm, điều đó có nghĩa trình duyệt "gốc Việt" đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ quốc tế, như Chrome, Firefox hay Oprea.

Trên kho ứng dụng của Google, lượt tải của Cốc Cốc đạt hơn 5 triệu. Số lượt tải xuống trên Apple Store không được công bố. 

Những báo cáo ngành cho thấy tỉ lệ số iPhone và số điện thoại thông minh chạy Android gần như tương đương, nên có lẽ số lượt tải xuống trên Apple Store cũng không vượt quá xa 5 triệu - con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 30 triệu lượt tải xuống vào năm 2020 của Cốc Cốc.

Về tính năng, Cốc Cốc thường quảng bá hình ảnh gắn liên với một trình duyệt tương đương với Google Chrome và được tích hợp thêm tính năng tải xuống các file âm nhạc hay video. Nói một cách khác, trình duyệt Cốc Cốc đã đính sẵn các tiện ích mở rộng trên nền tảng.

Kết quả kinh doanh lao dốc từ 2017

Thị phần của Cốc Cốc tại Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2017. Đây cũng là thời điểm mà Cốc Cốc báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng với khoản lãi 16,2 tỉ đồng. Các năm còn lại, Cốc Cốc đều thua lỗ.

Kết quả kinh doanh không thuận lợi trong thời gian qua đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng các con số cho thấy doanh thu công ty đã gần như không tăng trưởng trong kể từ năm 2017.

Cốc Cốc lỗ âm vốn dù chạm mốc 24 triệu người dùng - Ảnh 2.

Trong khi đó, Cốc Cốc có vẽ đã không kiểm soát được chi phí, từ 74,3 tỉ đồng năm 2017 lên đến 110 tỉ năm 2019. Chính vì thế, lợi nhuận gộp giảm, và sau khi trừ các chi phí khác, Cốc Cốc đã lỗ 21 tỉ đồng trong năm tài chính gần nhất (2019). Năm trước đó, Cốc Cốc đã lỗ 25,9 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Cốc Cốc chỉ còn lại 95 tỉ đồng, giảm 12% so với thời điểm đầu năm. 

Tổng số vốn góp của Cốc Cốc đến cuối năm 2019 là 364 tỉ đồng. Với việc vốn chủ sở hữu âm 62 tỉ đồng, Cốc Cốc đã lỗ luỹ kế lên đến 426 tỉ đồng kể từ ngày thành lập.

Công ty cũng đang gánh khoản nợ phải trả tăng thêm 158 tỉ đồng, tăng 7 tỉ đồng với đầu năm 2019 và tăng 46 tỉ đồng so với cuối năm 2016.

Theo cổng thông tin đăng kí doanh nghiệp quốc gia, đại diện pháp luật của Cốc Cốc là bà Đỗ Thanh Vân Hương, với chức vụ giám đốc. Tuy nhiên, bà Hương không trực tiếp nắm giữ cổ phần của Cốc Cốc.

Thay vào đó, một công ty nước ngoài với tên gọi Coc Coc Pte (Singapore) đã nắm 99,75 cổ phần kể từ cuối năm 2015. 0,25% còn lại thuộc sở hữu của Công ty TNHH Công nghệ và quảng cáo trực tuyến BNT. 

Ngoài việc là người đại diện pháp luật của Cốc Cốc, bà Đỗ Thanh Vân Hương còn nắm cổ phần của công ty quảng cáo CityAds Media và Công ty CP xây dựng và thương mại Thành Tiến.

Tiểu Phượng