|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cơ sở nào kỳ vọng chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á trong 5 năm tới?

21:54 | 27/12/2020
Chia sẻ
Theo đánh giá của IHS Markit, trong 5 năm tới, Việt Nam là thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á nhờ vào một số yếu tố vĩ mô như đầu tư công, thu hút dòng vốn FDI, làn sóng dịch chuyển của công ty đa quốc gia, nguồn lao động.

Mới đây, ông Simon Say Boon Lim, cố vấn cao cấp của Premia Partners - đơn vị quản lý Premia MSCI Vietnam ETF đã có những đánh giá về vĩ mô Việt Nam và thị trường chứng khoán. Theo đó, Việt Nam cùng với Trung Quốc là một số ít quốc gia kiểm soát thành công đại dịch COVID-19. Điều này cho phép lưu thông và hoạt động kinh tế cao hơn.

Mới đây, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6,7%. Ông Simon cho rằng đây là dự báo thận trọng, cá nhân ông này ước tính tăng trưởng có thể lên tới 7%. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu bị kìm hãm do đại dịch COVID-19, sự hồi phục của nhu cầu toàn cầu, thương mại quốc tế và sản xuất có thể thúc đẩy tăng trưởng vượt mốc 7%.

Lưu ý rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục cho đến năm 2020, ông Simon Say Boon Lim đánh giá.

Trong báo cáo, cố vấn cao cấp của Premia Partners dẫn dữ liệu từ IHS Markit, xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,7% trong 10 tháng đầu năm trong khi nhập khẩu tăng 0,4%, dẫn đến thặng dư thương mại 10 tháng đầu năm đạt 18,7 tỷ USD. Trong quý III năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 10,9%, cao hơn tỷ lệ 8,8% của Trung Quốc.

Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam đã ổn định vào quý III.  Mức giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) là 5,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận của các công ty trong nhóm VN30 tăng 1,6% so với cùng kỳ và thu nhập của các công ty vốn hóa nhỏ tăng khoảng 29%.

Về định giá thị trường, P/E 12 tháng hợp lý của rổ MSCI Vietnam khoảng 20 lần, ngang bằng so với Indonesia và Philippines, nhưng thấp hơn mức 23 lần của Malaysia và 24 lần của Thái Lan.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có những điểm mạnh trong dài hạn dựa vào một số yếu tố của kinh tế vĩ mô. Theo đánh giá của IHS Markit, trong 5 năm tới, Việt Nam là thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á. 5 lý do để đưa ra nhận định trên như sau.

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí sản xuất tương đối thấp so với các tỉnh giáp biên của Trung Quốc. Tại các tỉnh của Trung Quốc có chi phí sản xuất tăng nhanh trong thập kỷ qua.

Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động tương đối lớn, trình độ học vấn tốt hơn so với nhiều đối thủ khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chế tạo hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia.

Thứ ba, chi tiêu vốn tiếp tục tăng mạnh khi đầu tư trực tiếp ngoài (FDI) tiếp tục dồi dào cũng như là đầu tư công của chính phủ. Theo đó, chính phủ Việt Nam ước tính chi 133 tỷ USD cho hạ tầng điện đến năm 2030, bao gồm 96 tỷ USD cho các nhà máy điện và 37 tỷ USD để mở rộng lưới điện.

Thứ tư, Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mức thuế cao hơn của Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà sản xuất chuyển sản xuất hàng xuất khẩu khỏi Trung Quốc, hướng tới các trung tâm sản xuất thay thế ở châu Á.

Thứ năm, nhiều công ty đa quốc gia đã và đang đa đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất trong suốt thập ký qua để giảm khả năng bị tổn thương do gián đoạn nguồn cung. Xu hướng này ngày càng được củng cố bởi đại dịch COVID-19 khiến nguồn cung tại Trung Quốc bị gián đoạn trong tháng 2 và tháng 3. Kết quả là xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu cho các ngành, đơn cử ô tô và điện tử.

Phan Quân