Cổ phiếu thị giá cao nhất thị trường bị hạn chế giao dịch
Theo đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần kể từ ngày 25/5. Trên cơ sở xem xét Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, HOSE cho biết nguyên nhân do VNG đăng ký giao dịch chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.
Ngoài ra, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, VNG phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.
Ngày 5/1, hơn 35,8 triệu cổ phiếu VNZ của CTCP VNG được giao dịch trên UPCoM với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cp. Mức giá chào sàn của VNZ được xem như cao nhất trên thị trường UPCoM trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, dù dư mua với mức giá trần hàng chục nghìn đơn vị trong mỗi phiên nhưng không có cổ phiếu nào được khớp lệnh trong suốt 14 phiên giao dịch đầu tiên (5/1 - 31/1). Cho đến đầu tháng 2, VNZ có những giao dịch khớp lệnh đầu tiên đồng thời ghi nhận chuỗi tăng trần 11 phiên liên tiếp (1/2 - 15/2), trong đó 7 phiên tăng trần đầu tiên đều có tổng khối lượng khớp lệnh 100 đơn vị.
Đỉnh điểm tại phiên 15/2, mã VNZ tăng lên đỉnh 1.358.700 đồng/cp, trở thành mã cổ phiếu có giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
Trải qua các biến động, khép lại phiên giao dịch 24/5, mã chứng khoán VNZ đang neo ở giá 740.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường đang nằm mức hơn 26.525 tỷ đồng, tăng hơn gấp ba lần so với hồi mới niêm yết, nhưng giảm gần 22.177 tỷ đồng so với lúc cổ phiếu trên giá đỉnh.