Chuyên gia SSI: Thị trường đã phản ánh nhiều trước khi lãi suất giảm
Thị trường đã phản ánh trước khi lãi suất giảm
Nhận định tác động của sự kiện Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất từ ngày 25/5 đến thị trường chứng khoán, trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 24/5, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức - Phát triển Khách hàng Tổ chức, CTCP Chứng khoán SSI cho biết:
"Thị trường đã đồn đoán về đợt giảm lãi suất lần này trong một thời gian khá dài, do đó nhiều cổ phiếu đã được phản ánh một phần tương đối. Bên cạnh đó, thị trường đã nhiều lần không phản ánh tốt trong ngắn hạn, nhà đầu tư còn bán vì cho rằng không còn tin tức gì ở phía trước. Tuy nhiên về dài hạn, đây luôn là một tin tốt với thị trường.".
Vị chuyên gia SSI chia sẻ thêm rằng ở lần giảm lãi suất này thị trường đã phản ánh nhiều, do đó ông thiên về hướng chờ đợi thêm thay vì mua vào cổ phiếu.
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là một tin tốt đối với thị trường chứng khoán. Về cơ bản, ông Đức cho biết giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp khiến lợi nhuận được cải thiện; nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu của nền kinh tế được tốt lên khiến triển vọng và định giá doanh nghiệp cũng sẽ sáng hơn. Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào thị trường và tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện.
Nhận định về sự kiện giảm lãi suất này, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo Chứng khoán SSI cho biết sau ba lần giảm, các mức lãi suất điều hành hiện đã thấp hơn thời kỳ trước dịch COVID-19 (ngoại trừ lãi suất OMO).
Nhìn chung, đây là tin tốt với thị trường nhưng nếu nhìn vào thực tế, các mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay vẫn còn cao hơn thời kỳ trước dịch COVID-19 khoảng từ 100 – 200 điểm, ví dụ theo báo cáo Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), mặt bằng chung của lãi suất cho vay cuối quý I vẫn cao hơn cuối năm ngoái 56 điểm (0,56%), còn so với cuối năm 2021 là hơn 2,15%.
Khi mặt bằng lãi suất vẫn còn cao như hiện nay, ông Hưng cho rằng phản ứng của nhà đầu tư sẽ theo hướng chờ đợi và quan sát xem liệu các lãi suất cho vay hay các lãi suất khác có giảm tương ứng theo lãi suất điều hành hay không, nếu các lãi suất này giảm được xuống thời kỳ trước COVID-19 đà ảnh hưởng tới thị trường sẽ tốt hơn, còn hiện tại thị trường vẫn đang trong trạng thái theo dõi ảnh hưởng thực tế sẽ diễn ra như thế nào.
Về tác động đến ngành bất động sản, ông Hưng chia sẻ rằng khi mặt bằng lãi suất giảm tất yếu những ngành nhạy cảm với lãi suất như chứng khoán và bất động sản sẽ được ảnh hưởng tốt. Tuy nhiên, vấn đề là liệu lãi suất cho vay mua nhà của thị trường có giảm được hay không, hiện mặt bằng lãi suất này vẫn cao hơn so với mặt bằng chung.
Dòng tiền nước ngoài trong bối cảnh thị trường Việt Nam trũng thông tin
Về chiến lược đầu tư của khối ngoại trong bối cảnh thị trường Việt Nam hiện nay, ông Đức chia sẻ nhiều nhà đầu tư nước ngoài đồng ý rằng có thể Việt Nam đang ở vùng trũng về mặt tăng trưởng và triển vọng của doanh nghiệp. Về dài hạn, đây lại là cơ hội tốt để nhà đầu tư nước ngoài mua vào vì triển vọng dài hạn của Việt Nam có thể rất sáng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn dứt khoát một ngành hay mã cổ phiếu để mua lại đang là vấn đề lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi bối cảnh vĩ mô đang yếu đi, lợi nhuận doanh nghiệp các quý vừa qua đều không tốt và chưa thấy được thời điểm đảo chiều.
Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích dài hạn hơn và đưa ra nhiều giả thuyết, ông Đức cho biết hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đều có quan điểm ngành chứng khoán có thể là ngành dễ phục hồi nhất trong ngắn hạn. Với dòng tiền năm ngoái đã giảm xuống vùng rất thấp và lãi suất điều hành giảm một cách rõ ràng ở hiện tại sẽ giúp dòng tiền chảy vào chúng khoán mạnh mẽ hơn.
Về dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang "túc tắc" gom cổ phiếu ở những nhóm ngành hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Việt Nam như ngành tiêu dùng - bán lẻ, ngành liên quan đến FDI, ngành liên quan cơ sở hạ tầng hay nhóm ngành tài chính như ngân hàng.