‘Cây đũa thần’ lãi suất còn màu nhiệm với chứng khoán?
Phản ứng trái chiều của thị trường chứng khoán sau tin giảm lãi suất điều hành
Sắc đỏ đã chiếm ưu thế trong phiên giao dịch hôm nay (24/5). Đóng cửa phiên, VN-Index giảm 4,06 điểm xuống còn 1.061,79 điểm, đà đi xuống của nhóm VN30 chính là nguyên nhân khiến chỉ số giảm sâu. Rổ chỉ số này có 23 mã giảm, áp đảo 5 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng phủ sắc đỏ. Mức giảm của các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn dưới ngưỡng 2% như STB, TCB, VPB, MBB, ACB. Sắc xanh của cổ phiếu nhóm bất động sản với các mã DIG, NVL, VHM, DXG, KDH không đủ để gồng đỡ chỉ số.
Nhóm cổ phiếu khá nhạy cảm với thông tin lãi suất như chứng khoán diễn biến phân hóa khi một số mã khởi sắc như BSI, CTS, FTS, AGR trong khi đó mã công ty chứng khoán lớn đóng cửa dưới giá tham chiếu như VND, SSI, HCM. Sau phiên nổ thanh khoản, mã VND của VNDirect giảm 2% với khối lượng giao dịch hơn 38,5 triệu cp.
Trước diễn biến này, câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm liệu thông tin lãi suất còn tác động lên thị trường chứng khoán? Và mức độ tác động ra sao?
Về mặt lý thuyết, lãi suất nằm dưới mẫu trong công thức định giá chứng khoán. Khi lãi suất giảm, kỳ vọng mức định giá của thị trường hay cổ phiếu được nâng lên.
Trên phương diện đầu tư, xu hướng lãi suất (đầu vào, đầu ra) giảm được giới đầu tư kỳ vọng tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Đơn cử, khi lãi suất gửi tiết kiệm giảm, dòng tiền sẽ tìm đến một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Lãi vay giảm làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng giảm lãi suất đi vay sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực lãi vay, tăng khả năng tiếp cận vốn để tiếp cận thị trường. Khi dòng tiền bị thắt chặt, lãi vay đang là gánh nặng lớn với một số nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, năng lượng tái tạo. Những năm qua các doanh nghiệp nhóm này phát hành trái phiếu với quy mô hàng tỷ USD ở mỗi hệ sinh thái.
Từ đây để thấy rằng, thông tin giảm lãi suất điều hành của SBV dường như thị trường đang phản ứng ở mức độ kỳ vọng. Để xu hướng này thực sự tác động tích cực lên sức khỏe tài chính doanh nghiệp cần thêm thời gian và bức tranh dần trở nên rõ ràng hơn khi lợi nhuận cải thiện nhờ tiết giảm chi phí, khả năng tiếp cận vốn được cải thiện.
Yếu tố độ trễ có thể là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán không còn phản ứng hào hứng như hai đợt giảm lãi suất điều hành được SBV công bố trước đó.
Quan sát trên thị trường, nhiều doanh nghiệp hay các cá nhân vẫn phản ánh vay vốn với lãi suất biến động không nhiều so với giai đoạn trước đó. Hay trong ngành chứng khoán, đa phần các công ty chưa điều chỉnh lãi suất cho vay ký quỹ (margin) trên toàn hệ thống, đang dừng lại ở các chương trình giảm lãi cho vay margin với từng nhóm đối tượng khách hàng (khách hàng mới, khách hàng NAV lớn...).
Người dân và doanh nghiệp không có ý định vay nợ khi hoạt động sản xuất yếu
Bình luận về sự kiện giảm lãi suất điều hành được SBV công bố mới đây, khối phân tích của Chứng khoán ACBS cho rằng giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng”, báo cáo ACBS nêu.
Cũng theo khối phân tích ACBS, ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bởi vậy, Việt Nam có thể phải chờ đợi sự hồi phục của nhu cầu tiêu dùng từ các thị trường trên. Khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.
Để kích cầu nội địa, Chính phủ đã đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT từ 10% còn 8% vói một số nhóm hàng hóa. Thời gian đề xuất áp dụng theo tờ trình từ ngày 1/7 đến hết năm nay. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo thông tin tổng hợp, ngày mai (25/5), đại điện của SBV sẽ có cuộc họp với các CEO, cán bộ của Ngân hàng Thương Mại Cổ phần để triển khai việc giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Những quyết sách trên được giới đầu tư hi vọng sẽ tác động thực chất hơn đến các doanh nghiệp, tạo ra động lực để giải phóng dòng vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tháng còn lại của năm 2023.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/