Cổ phiếu tâm điểm ngày 16/11: VCB, MWG, GAS, ACV
MWG - Tăng giá ngắn hạn
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Kháng cự ngắn hạn 112,5
- Hỗ trợ ngắn hạn 104,32
- Xu hướng ngắn hạn tăng
- Kháng cự trung hạn 130,13
- Hỗ trợ trung hạn 96
- Xu hướng trung hạn tăng
Phân tích:
Mức Stock Rating của MWG ở mức 87 điểm, trong đó điểm cơ bản của MWG vẫn duy trì ở mức rất cao cho thấy đây vẫn là cổ phiếu có nền tảng cơ bản tích cực. Tuy nhiên, sức mạnh giá vẫn dưới mức 80 điểm cho nên các nhà đầu tư chỉ nên xem xét tích lũy cổ phiếu này với tỷ trọng thấp và chỉ tăng dần khi sức mạnh giá cải thiện trên 80 điểm.
Đồ thị giá của MWG tăng trở lại mức đỉnh ngắn hạn và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên khả năng cao đồ thị giá có thể vượt được mức đỉnh ngắn hạn 112,5. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức tăng.
VCB - Tích lũy
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tích lũy.
- Chỉ báo xu hướng MACD: Xuất hiện Golden Cross.
- Chỉ báo RSI: Tăng dần trên giá trị 50 và chưa đi vào vùng quá mua.
- Đường MA: EMA12 ở trên EMA26.
Phân tích:
VCB đang ở trong trạng thái tích lũy trung hạn trong khu vực 82 - 88 trong ba tháng trở lại đây. Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng giảm dần.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Phiên cuối tuần, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI vẫn còn cách khá xa vùng quá mua nên cổ phiếu có thể thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.
ACV - Triển vọng Long Thành
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Phân tích:
ACV sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất khi ngành hàng không phục hồi từ 2021 và tăng trưởng tích cực trong dài hạn, nhờ quy mô lớn – quản lý 22/25 cảng hàng không.
ACV vẫn sẽ là đơn vị khai thác cảng hàng không lớn nhất ở Việt Nam. ACV hiện đang quản lý 22 cảng hàng không tại Việt Nam, trong đó có cảng Tân Sơn Nhất và Nội Bài do ACV quản lý chiếm 60% tổng sản lượng hành khách qua toàn mạng cảng.
Các cảng hàng không có xu hướng xã hội hóa. Tuy nhiên, vị thế gần như độc quyền của ACV sẽ vẫn duy trì trong 2 - 3 năm tới khi cảng hàng không được chuyển giao có quy mô nhỏ và số lượng ít.
Do hoạt động khai thác cảng không đòi hỏi chi phí vốn lưu động lớn, hoạt động đầu tư các khu bay sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, nên ACV có khả năng duy trì lượng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn cao, ước mang lại khoảng 2.378 tỉ đồng lãi tiền gửi giai đoạn 2021.
Hiện tại dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt, giao cho ACV làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai quí II/2021 và hoàn thành quí III/2023.
Theo BSC ước tính, lượng đầu tư xây dựng nhà ga mỗi năm khoảng 2.700 – 5.500 tỉ đồng, bằng 40 - 50% dòng tiền HĐKD mỗi năm. Tuy nhiên, với nguồn tiền từ hoạt động SXKD tích lũy, ACV có đủ nguồn lực để thi công các dự án kể trên.
GAS - Còn nhiều khó khăn trước mắt
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Phân tích:
Các tổ chức, định chế lớn trên toàn cầu đều dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2020 ở khoảng 40 - 42 USD/thùng và giá trung bình năm 2021 ở khoảng 47-51 USD/thùng. Triển vọng phục hồi kém khả quan của giá dầu gây tác động tiêu cực lên các mảng hoạt động chính của GAS như mảng khí khô và mảng LPG.
Giá dầu hồi phục chậm gây ảnh hưởng xấu đến doanh thu của GAS. Ước tính 1 USD giá dầu thay đổi sẽ ảnh hưởng cùng chiều lên 400 tỉ đồng doanh thu thuần và 100 tỉ VND lãi sau thuế của GAS.
Sản lượng các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ trên đà suy giảm, đặc biệt là các mỏ lớn đã khai thác trên 10 năm (ví dụ mỏ Bạch Hổ, cụm mỏ Lan Tây – Lan Đỏ). Các mỏ khí này được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm nhanh (bình quân 10% - 20%/năm) trong tương lai theo quy luật khai thác tự nhiên.
Sản lượng khí ẩm suy giảm sẽ tác động trực tiếp đến doanh số các sản phẩm khí của GAS, đặc biệt là mảng khí khô. Đây là mảng hoạt động lớn nhất, đóng góp 50 - 60% doanh thu – lợi nhuận của GAS. Vì vậy, việc phát triển các dự án khai thác, thu gom các mỏ khí mới có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng của doanh nghiệp.
Dòng khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm, góp phần cung cấp và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Trong đó, các nhà máy điện khí khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước. Dự kiến mỏ này sẽ đóng góp khoảng 13.000 tỉ đồng doanh thu cho GAS năm 2021.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.