|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 9 - 13/11: Tự doanh bán ròng nhẹ gần 11 tỉ đồng, tập trung giao dịch cổ phiếu VJC

11:51 | 14/11/2020
Chia sẻ
Cùng chiều với NĐT nước ngoài, bộ phận tự doanh CTCK bán ròng nhẹ 10,6 tỉ đồng tuần 9 – 13/11. Đáng chú ý, tâm điểm giao dịch của khối tự doanh là cổ phiếu VJC khi mã này đồng thời dẫn đầu cả phía mua và bán trong tuần.

Tuần giao dịch (9 – 13/11), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khởi sắc sau khi hồi phục nhẹ đầu tháng 11. Đóng cửa tuần, VN-Index ở 966,29 điểm, tăng 28 điểm (tương đương 2,98%) so với cuối tuần trước. Tương tự, HNX-Index tăng 5,43 điểm (3,9%).

Mặc dù thị trường diễn biến khởi sắc, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng 1.581 tỉ đồng trên toàn thị trường, tuy nhiên lực bán ròng của khối này đã giảm khoảng 18% so với tuần trước.

Diễn biến cùng chiều, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng nhẹ 10,6 tỉ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối tự doanh mua vào hơn 468 tỉ đồng trong khi bán ra 480 tỉ đồng trong tuần qua. 

Tuần 9 - 13/11: Tự doanh bán ròng nhẹ gần 11 tỉ đồng nhưng giao dịch 620 tỉ đồng cổ phiếu VJC - Ảnh 1.

Nguồn: LG tổng hợp từ FiinPro

Top10 mã khối tự doanh mua/bán nhiều nhất trong tuần

Thống kê giá trị giao dịch cụ thể, cổ phiếu VJC của Vietjet Air thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường tuần qua khi dẫn đầu cả về giá trị mua vào (329 tỉ đồng) và giá trị bán ra (293 tỉ đồng). Liên quan đến mã này, Vietjet Air đã hợp tác với Dịch vụ Bưu chính Mỹ (UPS) tập hợp hàng hoá từ Việt Nam, Thái Lan và các nước láng giềng rồi vận chuyển đến Mỹ.

Cùng chiều bán ra, khối tự doanh xả trăm tỉ đồng thêm các mã HPG (148 tỉ đồng), VIC (144 tỉ đồng), MWG (144 tỉ đồng), ngoài ra còn có VRE (122 tỉ đồng) và TCB (110 tỉ đồng). 

Theo báo cáo đánh giá của SSI Research, lợi nhuận cả năm 2020 của Tập đoàn Hoà Phát dự báo ở mức 12.300 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kì, trong đó lợi nhuận quí IV/2020 dự báo tăng trưởng 70% so với cùng kì. 

Đối với Thế giới Di động, LNST năm 2020 của công ty ước đạt 3.870 tỉ đồng, tăng 1% so với cùng kì. Sang năm 2021, LNST ước tăng 36% so với cùng kì, đạt 5.300 tỉ đồng nhờ sự hồi phục của tiêu dùng không thiết yếu, gia tăng thị phần trong mảng ICT do ảnh hưởng của dịch bệnh và lợi nhuận mảng bách hóa cải thiện.

Theo Bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report công bố mới đây, Thế giới Di động lần đầu tiên lọt Top10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong năm nay. 

Bên cạnh đó, khối tự doanh tạo áp lực bán lên các cổ phiếu VNM (82 tỉ đồng), VCB (79 tỉ đồng) và VPB (53 tỉ đồng). FUEVFVND là chứng chỉ quĩ duy nhất lot top bán ra tuần qua với giá trị 58 tỉ đồng. 

Tuần 9 - 13/11: Tự doanh bán ròng nhẹ gần 11 tỉ đồng nhưng giao dịch 620 tỉ đồng cổ phiếu VJC - Ảnh 2.

Nguồn: LG tổng hợp từ FiinPro

Chiều ngược lại, ngoài VJC, các cổ phiếu được khối tự doanh mua vào trên 100 tỉ đồng có  HPG (175 tỉ đồng), TCB (142,5 tỉ đồng) và VNM (117 tỉ đồng). 

Cùng với đó, khối tự doanh tìm đến mã MBB (93,5 tỉ đồng), VHM (90 tỉ đồng), VPB (75,5 tỉ đồng) và MWG (71 tỉ đồng). Hai mã VIC và FPT lần lượt thu hút dòng vốn tự doanh 68 tỉ đồng và 53 tỉ đồng. 

Nhận định về giao dịch tuần sắp tới, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo thị trường tiếp tục tăng điểm trong những phiên đầu tuần tới. VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm vượt qua vùng cản 969 điểm để hướng đến thử thách vùng kháng cự 980 - 990 điểm trong ngắn hạn. Đây vẫn là vùng kháng cự mạnh được đánh giá có khả năng tạo ra áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh khi chỉ số tiếp cận. 

Theo đánh giá của BVSC, biến động tích cực của thị trường chứng khoán thế giới sẽ hỗ trợ cho đà đi lên của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu hướng sự chú ý nhiều hơn đến các thông tin về kết quả kinh doanh quí IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Vào giữa tuần tới sẽ là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 11.

Linh Giang