Cổ phiếu tâm điểm ngày 12/9: GMD, L14, DHC
GMD - Giảm giá
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: giảm giá ngắn hạn.
- Chỉ báo xu hướng MACD: đường MACD ở dưới đường tín hiệu.
- Chỉ báo RSI: giảm dần và chưa chạm đến vùng quá bán.
- Đường MA: EMA12 ở trên EMA26.
Phân tích:
Cổ phiếu GMD sau khi tiếp cận ngưỡng kháng cự tại vùng giá 29 đã không thể vượt qua mức cản tâm lý này. Dù cho đường EMA12 vẫn ở trên đường EMA26 nhưng đà giảm giá hiện tại là vô cùng mạnh mẽ. Chỉ báo MACD cũng ủng hộ cho trạng thái này, hơn nữa, chỉ báo RSI chưa chạm đến vùng quá bán cho thấy cổ phiếu này còn có thể diễn biến tiêu cực một thời gian nữa.
Nhìn chung, GMD đang trong quá trình tiến dần về ngưỡng hỗ trợ tại xung quanh giá 25,5, và có thể hồi phục lại từ vùng này, sau đó tiếp tục bế tắc trong khu vực 25,5 – 29. Trong trường hợp kém tích cực và không giữ được mốc 25,5, cổ phiếu này có thể xuống sâu hơn nữa về vùng giá 22,5.
Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu GMD
DHC - Tích lũy
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Ngưỡng kháng cự ngắn hạn: 34,25
- Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn: 31,16
- Xu hướng ngắn hạn (5-10 ngày): Tăng
- Ngưỡng kháng cự trung hạn: 39,51
- Ngưỡng hỗ trợ trung hạn: 28,55
- Xu hướng trung hạn (1-3 tháng): Giảm
Phân tích:
Mức Stock Rating của DHC đạt mức 82 điểm cho thấy cổ phiếu này đang trong chu kỳ tăng trưởng bền vững trong trung hạn. Đồng thời, đồ thị giá của DHC có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy các nhà đầu tư có thể tích lũy ở nhịp điều chỉnh với tỷ trọng thấp.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở vùng giá hiện tại với tỷ trọng thấp do rủi ro thị trường vẫn còn cao và mức độ thanh khoản của DHC vẫn ở mức thấp.
Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu DHC
L14 - Khả năng đảo chiều xu hướng
CTCP Chứng khoán FPT (FTS)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Trên đồ thị tuần, đường giá rơi xuống khỏi đường SMA 10 phiên và để ngỏ khả năng xu hướng tăng bắt đầu từ tháng 4 đã kết thúc.
- Trên đồ thị EOD, phiên giảm kèm thanh khoản lớn ngày hôm nay khiến đường giá đánh mất nền giá 56.000 cho thấy lực cung có thể đã áp đảo trở lại và dẫn dắt xu hướng.
- Tín hiệu báo bán xuất hiện ở chỉ báo MFI trên khung đồ thị tuần khi sự phân kỳ giá giảm được xác nhận.
Phân tích:
Sau một tuần chững lại trên vùng giá 56.000 – nơi tạo đỉnh vào tháng 4/2018, phiên giảm mạnh hôm nay đã khiến đường giá lùi sâu khỏi vùng hỗ trợ này. Đây có thể là dấu hiệu cho sự tiếp diễn của nhịp giảm bắt đầu từ cuối tháng 8. Thanh khoản mở rộng trở lại theo chiều giá giảm cho thấy lực cung áp đảo trở lại và dẫn dắt xu hướng.
Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy sự tiêu cực của xu hướng khi đường giá trị MACD mở rộng phân kỳ âm với đường tín hiệu và có dấu hiệu giao cắt xuống đường zero line. Sự thiếu vắng những nhịp tích lũy trong giai đoạn tăng dốc vừa qua là cơ sở về sự lo ngại rủi ro khi xu hướng bị phá vỡ.
Với diễn biến giá hiện tại, L14 có thể tiếp tục lùi sâu về vùng giá 44.500 đồng/cp– vùng giá giữ vai trò tâm lý trong những diễn biến giá của L14 giai đoạn 2017 - 2018.
Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu L14
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.