|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: EIB và VPB giao dịch thỏa thuận 'khủng'

19:30 | 08/09/2019
Chia sẻ
Trong tuần 2/9 - 6/9, giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết giảm 6.115 tỉ đồng, đạt 839.044 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch 126,9 triệu cp, tương ứng với giá trị 2.441 tỉ đồng.

Vốn hóa các ngân hàng giảm hơn 6.100 tỉ đồng

Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (2/9 - 6/9), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt 839.044 tỉ đồng, giảm 6.115 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 30/8), tương ứng giảm 0,7%.

Tổng kết qua hai tuần, vốn hóa thị trường của nhóm ngân hàng giảm hơn 9.200 tỉ đồng, tương đương 1,1%.

Vietcombank tiếp tục duy trì vốn hóa lớn trong nhóm ở mức 286.696 tỉ đồng. Xếp thứ hai là BIDV với 129.911 tỉ đồng. Tuần qua, Techcombank đã vượt VietinBank để trở thành ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn thứ ba thị trường (77.624 tỉ đồng).

Ba ngân hàng hàng có giá trị vốn hóa thấp nhất lần lượt thuộc về VietBank (6.201 tỉ đồng), Kienlongbank (3.302 tỉ đồng) và NCB (2.167 tỉ đồng).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: TCB tăng giá mạnh nhất, VPB đứng đầu thanh khoản - Ảnh 2.

Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 6/9 (Nguồn: PV tổng hợp)

TCB "quán quân" tăng giá, VPB dẫn đầu thanh khoản

Tính chung trong tuần vừa qua, chỉ có 4/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, TCB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất (tăng 3,3%). Các cổ phiếu có mức tăng mạnh tiếp sau là VIB tăng 1,1%, KLB tăng 1% và VPB tăng 0,2%.

Ở chiều ngược lại, có tới 12/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần với TPB là mã giảm sâu nhất (giảm 3,7%). 

LPB, STB và MBB cũng là những cổ phiếu có xu hướng giảm khá mạnh trong tuần với mức giảm lần lượt là 2,6%, 2,4% và 2,2%. 

Ngoài ra, BID, HDB, SHB, CTG, ACB và VBB cũng giảm trên 1%. Hai cổ phiếu đứng giá trong tuần này gồm EIB và NVB.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: TCB tăng giá mạnh nhất, VPB đứng đầu thanh khoản - Ảnh 3.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 2/9 - 6/9 (Nguồn: PV tổng hợp)

Do trong dịp nghỉ lễ 2/9, thanh khoản tuần qua  giảm 11,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với tuần trước, có gần 126,9 triệu cp ngân hàng được giao dịch ứng với giá trị đạt 2.441 đồng.

VPB là mã có khối lượng giao dịch nhiều nhất với gần 24,7 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 502 tỉ đồng, gấp 2 lần tuần trước. Theo sau là EIB với gần 22,2 triệu cp, MBB gần 19,1 triệu cp.

VBB, BAB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất trong tuần lần lượt ở mức 110.000 cp, 16.500 cp và 11.000 cp.

photo-1

EIB và VPB giao dịch thỏa thuận "khủng"

Trong tuần, có 78,3 triệu cp giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, giá trị giao dịch 1.584 tỉ đồng, chiếm gần 62% về lượng cp và 65% về giá trị. Giao dịch thỏa thuận còn lại đạt 48,5 triệu cp với giá trị đạt 857 tỉ đồng.

Trong đó, MBB có khối lượng giao dịch khớp lệnh lớn nhất với hơn 18,7 triệu cp. Tuần trước, MBB cũng là cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch khớp lệnh nhiều nhất với 39,7 triệu cp.

Xếp tiếp theo là STB với hơn 10,2 triệu cp, TCB (8,7 triệu cp), SHB (7,1 triệu cp), VPB (5,9 triệu cp), CTG (5,9 triệu cp) và HDB (4,3 triệu cp).

Tuần qua, EIB tiếp tục là cổ phiếu có khổi lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất trong ngành ngân hàng với gần 21,7 triệu cp được trao tay. Đây là tuần thứ tư liên tiếp cổ phiếu EIB diễn ra các giao dịch thỏa thuận "khủng". Ba tuần trước đó, EIB giao dịch thỏa thuận lượng lớn lần lượt 14,6 triệu cp, 15,5 triệu cp và 20,8 triệu cp.

Bên cạnh EIB, các giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu VPB cũng diễn ra "nhộn nhịp" với hơn 18,8 triệu cổ phiếu được trao tay, gấp 7,5 lần tuần trước và chiếm 76% tổng lượng cổ phiếu VPB được giao dịch trong tuần.

Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn trong tuần vừa qua là NVB (4,1 triệu cp) và SHB (1,5 triệu cp), HDB (1,4 triệu cp)…

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: TCB tăng giá mạnh nhất, VPB đứng đầu thanh khoản - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: PV tổng hợp)

Các sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Chủ tịch Fed củng cố cho khả năng giảm lãi suất trong tháng 9

Trong bài phát biểu tại Zurich vào ngày 6/9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ và thế giới có triển vọng tăng trưởng vừa phải. Những bình luận của ông đã củng cố kì vọng về việc cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuối tháng này.

Loạt vấn đề trong báo cáo tài chính ngân hàng hậu kiểm toán

Sau kiểm toán, lợi nhuận của Eximbank, SHB, ABBank và SeABank đã thay đổi đáng kể so với báo cáo tài chính tự lập. Bên cạnh đó, kiểm toán cũng điều chỉnh cấu trúc lợi nhuận, phân loại nợ và lưu ý cách hạch toán lãi dự thu của một số ngân hàng.

BIDV dự kiến mua lại 4.000 tỉ đồng trái phiếu phát hành năm 2014

BIDV cho biết sẽ thực hiện mua lại toàn bộ 4.000 tỉ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 2 năm 2014 vào ngày 19/9/2019.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng Đồng Việt Nam, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

MBBank chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 8% và phát hành 43 triệu cổ phiếu ESOP

MBBank dự kiến sẽ phát hành 169 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức đợt 2/2018 (tương ứng với tỉ lệ 8%). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/9.

Bên cạnh đó, nhà băng này cũng lên kế hoạch phát hành hơn 43,2 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) theo mệnh giá 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành dự kiến là trong tháng 9 và tháng 10. 

TPBank tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC

TPBank cho biết đã thực hiện mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt (nợ xấu) đã bán cho VAMC, đồng thời đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ lượng nợ xấu này.

Như vậy, TPBank đã trở thành thành viên thứ 7 trong nhóm các ngân hàng sạch nợ VAMC gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB, VIB, Nam A Bank.

Techcombank dự kiến phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu

Techcombank công bố phương án phát hành trái phiếu ngân hàng năm 2019 với khối lượng tối đa là 10.000 tỉ đồng. Mục đích phát hành là tăng qui mô vốn hoạt động và cải thiện các tỉ lệ an toàn hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Trong tuần qua, ACB cũng lên kế hoạch phát hành 2.600 tỉ đồng trái phiếu kì hạn từ 2 – 3 năm với lãi suất 6,7 – 6,8%/năm.

Quốc Thụy