|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Loạt vấn đề trong báo cáo tài chính ngân hàng hậu kiểm toán

16:20 | 07/09/2019
Chia sẻ
Sau kiểm toán, lợi nhuận của nhiều ngân hàng thay đổi đáng kể so với báo cáo tài chính tự lập. Bên cạnh đó, kiểm toán cũng điều chỉnh cấu trúc lợi nhuận, phân loại nợ của một số ngân hàng.
Loạt vấn đề trong báo cáo tài chính ngân hàng hậu kiểm toán - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Eximbank)

Mùa công bố báo cáo tài chính bán niên sau soát xét năm 2019 chứng kiến nhiều sự điều chỉnh của đơn vị kiểm toán so với báo cáo tự lập trước đó của các ngân hàng.

Đáng chú ý nhất là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lợi nhuận sau thuế sau soát xét giảm 90 tỉ đồng từ gần 526 tỉ xuống 436 tỉ đồng (tương đương giảm 17%) do kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (tăng từ 25,2 tỉ đồng lên 114,5 tỉ đồng).

abb

Đồ họa: TV

Mặc dù lãi trước thuế giữ nguyên so với báo cáo tự lập nhưng cấu trúc lợi nhuận của ABBank đã được kiểm toán điều chỉnh. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 24 tỉ đồng tuy nhiên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng lên tương ứng

Nguyên nhân của sự điều chỉnh chi phí dự phòng là do kiểm toán điều chỉnh tăng nợ nhóm 2 đến nhóm 5 và giảm nợ nhóm 1 của ABBank. Đồng thời, nợ xấu của ngân hàng tăng thêm 197 tỉ đồng, kéo tỉ lệ nợ xấu tăng vọt từ gần 1,88% lên 2,28% sau kiểm toán.

Tương tự ABBank, lãi sau thuế sau soát xét của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng giảm từ 377 tỉ đồng xuống 321 tỉ đồng (giảm 15%) do công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam điều chỉnh tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp 56 tỉ đồng.

Ngược lại, lợi nhuận sau kiểm toán của Eximbank tăng lên thêm 89 tỉ đồng, tương đương tăng 17% so với báo cáo tự lập.

eib

Đồ họa: TV

Nguyên nhân là kiểm toán điều chỉnh giảm hơn 111 tỉ đồng chênh lệch tỷ giá đối với các giao dịch kì hạn. Qua đó, làm tăng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Eximbank hơn 111 tỉ đồng lên 154,8 tỉ đồng.

Theo Eximbank, cơ sở của điều chỉnh này là để đảm bảo nguyên tắc số liệu có thể so sánh được giữa các kì khi trình bày báo cáo tài chính giữa niên độ. Đồng thời, việc hạch toán các nghiệp vụ tại ngân hàng vẫn tuân thủ theo công văn của NHNN về việc hướng dẫn hách toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ.

Một ngân hàng khác cũng có lợi nhuận tăng sau khi kiểm toán là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với lợi nhuận sau thuế tăng 5% lên 1.309 tỉ đồng, do kiểm toán điều chỉnh giảm 41% chi phí trích lập dự phòng rủi ro xuống còn 219 tỉ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2019, kiểm toán nhấn mạnh một số vấn đề về lãi phải thu.

Theo kiểm toán tại ngày 30/6/2019, khoản lãi phải thu (đã tất toán nợ gốc và có tài sản bảo đảm) từ cho vay số khách hàng không được VietABank hạch toán theo chính sách kế toán được nêu trong phần thuyết minh.

Kiểm toán cũng lưu ý trong tổng số khoản cho vay thuộc nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1), có khoản cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của một số khách hàng chưa được VietABank phân loại lại nhóm nợ do đang chờ việc xử lí của cơ quan chức năng.

Điểm lưu ý nữa là công bố thông tin trên website và cổng thông tin của Uỷ ban Chứng khoán, VietABank không đính kèm phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Quốc Thụy